Chuyên đề : “Đổi mới tổ chức các hoạt động giáo dục phát triển ngôn ngữ”
Tăng kích thước chữ : + -

 Vào ngày 30/8/2016, trường mầm non Hạnh Phúc tổ chức tập huấn chuyên môn chuyên đề “Đổi mới tổ chức các hoạt động giáo dục phát triển ngôn ngữ trong trường mầm non” do cô Thanh Nga, phó hiệu trưởng, phụ trách triển khai nội dung đến tập thể giáo viên.

Nội dung trọng tâm của chuyên đề gồm có một số phần như sau:
Phần 1: Phân tích một vài giáo án và hướng dẫn thực hiện:
Giáo án chuyện kể lớp Mầm: Đôi bạn nhỏ 
Mục đích yêu cầu chỉ chọn 1 trong các yêu cầu:
+ Nếu là Câu chuyện trẻ chưa biết thì  chọn yêu cầu Trẻ nghe và hiểu nội dung câu chuyện hoặc Trẻ biết kể câu chuyện theo tranh
+ Nếu là Câu chuyện trẻ đã biết thì chọn yêu cầu Trẻ biết kể câu chuyện theo tranh
Với câu chuyện trẻ chưa biết, giáo viên lưu ý những điểm sau:
– Trẻ nghe, hiểu nội dung câu chuyện , nhớ tên câu chuyện, biết diễn tiến nội dung câu chuyện
– Lựa chuyện phải có tính tác dụng nhân văn, gần gũi, phù hợp lứa tuổi.
– Mục đích yêu cầu trong Làm quen văn học chỉ cần đưa ra 01 mục đích yêu cầu. Không đưa ra 02 yêu cầu trong một câu chuyện.
– Không dạy hoạt động học thơ trên tiết học, mà dạy ở mọi lúc, mọi nơi, 
Với câu chuyện trẻ đã biết, giáo viên lưu ý có các mục đích yêu cầu sau:
– Trẻ tự kể lại chuyện trình tự theo tranh.
– Trẻ biết kể chuyện trình tự sắp xếp của tranh.
– Trẻ biết kể chuyện sáng tạo theo tranh.
– Trẻ biết kể chuyện sáng tạo theo đồ vật
– Trẻ biết nhìn theo tranh để kể.
– Trẻ biết kể lại chuyện bằng ngôn ngữ của trẻ.
– Nhớ trình tự và kể lại chuyện theo ngôn ngữ của trẻ
– Phối hợp kể chuyện sáng tạo
Phần 2: Nhận xét tổ chức hoạt động phát triển ngôn ngữ
– Giáo viên chưa phát triển cho trẻ đồng thời cả ngôn ngữ và kỹ năng ngôn ngữ: Nghe, nói, đọc, viết.
– Chưa chú ý tạo môi trường giao tiếp, môi trường chữ viết phong phú để trẻ được  tắm mình trong môi trường ngôn ngữ.
– Chưa hỏi trẻ bằng những câu hỏi để trẻ có thể tự trả lời theo cách của trẻ. Còn sử dụng câu hỏi trẻ trả lời: “đúng – sai; có – không”.
– Trẻ chưa được giao tiếp một cách thoải mái, chưa được sử dụng ngôn ngữ của cá nhân mình
– Chưa tổ chức cho trẻ chơi các trò chơi sử dụng cơ thể để thể hiện nội dung muốn nói.
TỔ CHỨC ĐỔI MỚI HOẠT ĐỘNG PHÁT TRIỂN NGÔN NGỮ: 
Các nguyên tắc cần chú ý khi tổ chức hoạt động phát triển ngôn ngữ cho trẻ: 
– Phát triển 4 kỹ năng ngôn ngữ: nghe – nói – đọc – viết.
– Tạo môi trường giao tiếp, môi trường chữ viết phong phú để trẻ được tắm mình trong môi trường ngôn ngữ 
– Cô đọc cho trẻ nghe, phải có tác dụng đến trẻ 
– Sử dụng các vật dụng gần gũi, sản phẩm địa phương, đồ vật mang màu sắc văn hóa địa phương như ca dao, dân ca…của vùng miền để giúp trẻ phát triển ngôn ngữ.
Gợi ý một số hoạt động cho trẻ làm quen với nghe,nói, đọc, viết:
– Một số hoạt động cho trẻ làm quen với nghe và nói. 
Trẻ 3 – 4 tuổi:
– Cho trẻ nghe và phát âm các từ khó: nguyên âm tròn môi, các nguyên âm đôi: ô, na, tê, mô…thông qua các trò chơi: bắt chước theo cô, tiếng kêu của con vật, nghe đọc các bài thơ, đồng dao… 
– Phát triển khả năng nghe cho trẻ bằng cách luyện nghe các âm thanh của ngôn ngữ (tiếng nói) như: các âm khác nhau trong các từ, các câu, nghe ngữ điệu, nghe giọng biểu cảm khác nhau thông qua đồng dao, ca dao, dân ca, các bài thơ, câu chuyện, câu đố; 
– Cho trẻ chơi các trò chơi dân gian, các trò chơi bán hàng, trò chuyện theo tranh: kể lại câu chuyện, đóng kịch…giúp trẻ phát triển kỹ năng nghe – nói – giao tiếp… 
– Cô chú ý sử dụng các câu đầy đủ chủ ngữ – vị ngữ, sử dụng các từ biểu cảm, tượng hình để trẻ tiếp thu và nói theo cô. 
– Chú ý dạy trẻ văn hóa trong giao tiếp: sự lễ phép: Biết cám ơn, xin lỗi, biết chờ đến lượt, thái độ hợp tác, hòa nhã… 
– Giáo dục trẻ không nói trống không.
Trẻ 4 – 5 tuổi:
– Cho trẻ nghe các âm khó và phát âm đúng các âm khó, gồm các âm dễ nhầm lẫn: n – l, x – s, tr – ch; các nguyên âm đôi: ưu, iê; âm ba khó: ươu, uyu, uyê, uya… 
– Tiếp tục cho trẻ nghe kể chuyện, đọc thơ…và cho trẻ kể chuyện, đọc thơ để rèn luyện khả năng nghe hiểu ngôn ngữ nghệ thuật. 
– Tăng cường các hoạt động đóng vai trong kể chuyện, diễn kịch để trẻ thể hiện ngôn ngữ biểu cảm, hình tượng, khả năng giao tiếp.
– Ở hoạt động kể chuyện theo tranh, cần nâng cao hơn ở việc hướng dẫn trẻ kể các chi tiết, liên kết và sắp xếp các nội dung kể theo tranh thành một câu chuyện hoàn chỉnh 
– Khuyến khích trẻ sử dụng các tính từ, các từ tượng thanh, tượng hình, từ biểu cảm. 
-Cô trò chuyện với trẻ và khuyến khích trẻ trao đổi, trò chuyện với nhau tích cực, mọi lúc mọi nơi: trong giờ chơi, trong các sinh hoạt nhóm, đặt và trả lời các câu hỏi khi tìm hiểu về nội dung của bài thơ, câu chuyện, khi đi sinh hoạt tham quan, dã ngoại…; cô tổ chức các tình huống để trẻ giao tiếp.
Trẻ 5 – 6 tuổi:
– Trẻ 5 – 6 tuổi cần phải được luyện tập để phát âm đúng tất cả các từ trong tiếng Việt, kể cả từ khó. Cô cần chú ý đến các trẻ có biểu hiện chậm về ngôn ngữ: ngọng, lắp …để hỗ trợ nhiều hơn. 
– Trẻ cần luyện nghe để cảm nhận được những vẻ đẹp của ngôn ngữ: sự trầm bổng của nhịp điệu.. sắc thái tình cảm của giọng nói, những khả năng gợi thanh, gợi hình ảnh, màu sắc, cảm xúc…trong các tác phẩm văn chương. Để từ đó, trẻ cũng có khả năng sử dụng được những khả năng này của ngôn ngữ trong khi diễn đạt, giao tiếp. 
– Sau khi kể chuyện, đọc thơ, cô hướng dẫn trẻ đọc thuộc lòng, diễn cảm bài thơ, kể lại chuyện một cách biểu cảm và sáng tạo. 
– Giáo viên chú ý mở rộng câu, sử dụng tất cả các dạng câu đơn, câu phức, câu kể, câu hỏi, cảm thán…để trẻ tiếp thu và sử dụng. 
– Các tình huống cần được tổ chức và để trẻ tự trao đổi, tìm cách giải quyết và ra quyết định. 
– Ở lứa tuổi này, trẻ có thể đặt lời cho bài hát, đặt tên cho câu chuyện hoặc cùng cô sáng tạo truyện theo chủ đề… 
Một số hoạt động làm quen với đọc: 
Trẻ 3 – 4 tuổi:
– Cho trẻ làm quen với cách đọc qua các từ đơn giản: nghe, chỉ tay, di theo chiều dòng chữ để trẻ phân biệt chữ viết và phần tranh trên trang giấy, mối quan hệ giữa tiếng nói và chữ viết, nhận bitên của trẻ, tên một số đồ vật được ghi trên những đồ dùng cá nhân. 
– Đọc sách cùng trẻ: lựa chọn sách chữ to, tranh ảnh đẹp, phù hợp để đọc cho trẻ biết hướng đọc. 
-Giúp trẻ làm quen với sách, giới thiệu phần bìa, cách cầm, mở sách và lật trang sách. 
– Giáo dục tình cảm yêu quý, giữ gìn sách. 
Trẻ 4 – 5 tuổi:
– Hướng dẫn để trẻ quen với cách đọc và đọc được tên của mình, các chữ trong các đồ dùng gần gũi, góc  hoạt động của lớp, các cây, hoa của lớp, của trường. 
– Tiếp tục đọc sách cùng trẻ, cho trẻ nhận được hình các chữ, hướng chữ, quy tắc đọc tiếng Việt: từ trái sang phải, từ trên xuống dưới.
– Cô dành thời gian để đọc với cá nhân và nhóm nhỏ, vừa đọc vừa chỉ tay để trẻ phân biệt các từ, mối liên hệ giữa từ ngữ và tiếng nói (âm của từ), nhận biết ý nghĩa của từ ngữ.
Trẻ 5 – 6 tuổi:
-Tiếp tục tổ chức các hoạt động như đối với trẻ 4 – 5 tuổi. 
– Chuẩn bị cho việc học đọc: cho trẻ làm quen với chữ cái qua trò chơi, thẻ chữ, tìm chữ cái trong từ, ghép chữ còn thiếu trong từ…cho trẻ thấy mối quan hệ giữa các chữ cái, trẻ hiểu các chữ cái được ghép lại tạo thành từ, và các từ ghép lại sẽ tạo thành câu, khi đọc lên chúng có ý nghĩa. 
Một số hoạt động làm quen với “viết”
Đối với trẻ 3 – 4 tuổi:
– Cho trẻ quan sát các hoạt động viết của người lớn: viết trên bảng, viết trên giấy, viết xuống nền nhà, sân chơi…bằng các dụng cụ viết khác nhau (phấn, bút, sáp màu…), vừa viết vừa đọc để trẻ có thể hiểu được rằng chữ viết ghi lại lời nói, suy nghĩ…nhằm lưu giữ và truyền đạt thông tin. 
– Giáo viên tổ chức các hoạt động như vẽ, chơi với đất nặn, di màu, ghép hoặc xếp hình, in hình, xé dán, xé dán, vê hoặc vò giấy, làm sách tranh to cùng cô… 
Đối với trẻ 4 – 5 tuổi:
– Tiếp tục cho trẻ quan sát các hoạt động viết của người lớn để trẻ củng cố và nắm được cách sử dụng các công cụ viết, biết được hướng viết tiếng Việt, hướng viết của các nét chữ, mối quan hệ giữa chữ viết và tiếng nói. 
– Cô hướng dẫn cho trẻ cách cầm và sử dụng các công cụ viết: cho trẻ vẽ trên sàn/ sân/ bảng bằng phấn/ gạch… vẽ trên cát, bột…bằng que…; tô màu tranh, vẽ tự do trên giấy, trang trí đường diềm bằng bút sáp, bút dạ…để rèn luyện vận động của các cơ nhỏ, sự khéo léo của ngón tay, sự phối hợp tay mắt; giúp trẻ làm quen với cách sử dụng giấy, bút, biết cách cầm bút đúng và giữ giấy khi tô, vẽ. 
Đối với trẻ 5 – 6 tuổi:
-Hướng dẫn và cùng trẻ chơi các trò chơi đóng vai có liên quan nhiều đến các hành vi viết, sử dụng công cụ viết.
– Gợi ý để trẻ tự làm bưu thiếp, làm sách tranh, sao chép một số ký hiệu, chữ cái, tên của mình theo mẫu có sẵn hoặc trẻ quan sát được từ môi trường xung quanh…nhằm giúp trẻ làm quen với cách sử dụng bút và giấy, cách giữ bút và cầm giấy khi tô, vẽ, hướng viết chữ tiếng Việt. 
– Sử dụng phấn để viết, tô các nét trên bảng, trên nền nhà, sân chơi…Hoạt động này có thể tổ chức vào giờ học hoặc giờ chơi ở góc, ngoài trời… 
– Giáo viên cần chuẩn bị đầy đủ đồ dùng, đồ chơi, tạo tình huống, không khí chơi vui vẻ để lôi cuốn trẻ tham gia vào hoạt động. Để trẻ chủ động, thoải mái và tự nguyện khi tham gia hoạt động này, không ép trẻ phải thực hiện việc tô, đồ, sao chép, không trách móc trẻ hoặc chê các sản phẩm do trẻ tạo ra.
NHỮNG ĐIỀU CẦN LƯU Ý 
– Tổ chức hoạt động kể chuyện, đọc thơ trên giờ học giáo viên cần linh hoạt không gò bó, áp đặt trình tự các bước như trước đây, không nhất thiết phải kể bao nhiêu lần tùy vào mục đích giáo viên đưa ra hoạt động phù hợp để đạt mục đích đề ra.
– Các hình thức tổ chức hoạt động phát triển ngôn ngữ ngòai tiết học cần được tiến hành với thời lượng phù hợp có sự gợi ý kịp thời của cô giáo.
– Cần cho trẻ giao tiếp một cách thoải mái, sử dụng ngôn ngữ của cá nhân mình, khuyến khích trẻ tự nói, tự kể một nội dung dài khoảng 7 – 8 câu kèm theo cử chỉ, điệu bộ hay hành động.
–  Tổ chức các hoạt động trò chuyện phù hợp thực tiễn không  áp đặt, trẻ trả lời theo ý cô, không theo ngôn ngữ của người lớn cần chú ý phong cách ngôn ngữ trẻ thơ: ngộ nghĩnh, hóm hỉnh, vui tươi, nhẹ nhành, tình cảm. 
– Tạo tình huống và kích thích trẻ cùng thảo luận, tranh luận về đề tài hoặc câu chuyện để trẻ mạnh dạn nêu ý kiến riêng của trẻ.
– Chú ý phát triển trí tưởng tượng của trẻ qua kể chuyện sáng tạo.
– Bài thơ, đồng dao, câu đố, chuyện kể cần lựa chọn phù hợp lứa tuổi, có tính giáo dục và tính nhân văn.
– Giáo viên thường nói chuyện với trẻ về các chủ đề phù hợp. Kiên trì, lắng nghe trẻ khi giao tiếp, cố gắng hiểu trẻ, duy trì chủ đề nói chuyện.
– Sử dụng trò chơi đóng vai để tạo điều kiện cho trẻ tham gia vào nói chuyện theo nhóm.
– Tạo điều kiện để trẻ nói về bản thân với những trẻ ở nhóm lớp khác hoặc ở nơi khác.
– Tổ chức cho trẻ giao tiếp trong các cuộc tham quan (công viên, bưu điện, siêu thị, cửa hàng sách, sở thú, cánh đồng rau, trại chăn nuôi, trường tiểu học, doanh trại bộ đội…).
– Đối với hoạt động LQCV tìm hiểu mức độ nhận biết về chữ viết của trẻ trước khi lên nội dung dạy học. Không dạy từng chữ cái riêng lẻ mà trong các từ gần gũi (có thể trong chủ đề trẻ đang học). 
– Các từ, chữ phải có hình minh họa đi kèm. Dạy phát âm chữ cái bằng cách đọc thơ, đồng dao…nhiều lần. Không nên dạy phát âm từng chữ cái riêng lẻ.
– Xây dựng môi trường chữ phong phú để tạo cơ hội cho trẻ tự học. Môi trường chữ nên được thay đổi thường xuyên (có thể theo nội dung trẻ đang học). 
– Giáo viên không nên đưa ra quá nhiều chữ trong một thời điểm.
Các chữ viết phải tuân thủ luật ngữ pháp, chính tả, ngắn gọn súc tích.  Tránh viết tắt (đặc biệt là tên trẻ). Có thể dùng chữ viết và chữ in.Trẻ được khuyến khích tham gia xây dựng môi trường chữ 
– Chú  ý môi trường chữ trong cả khuôn viên trường chứ không chỉ trong lớp học (khẩu hiệu, bảng biểu, thông báo….cho người lớn) vì trẻ có thể quan sát chữ bất cứ ở đâu và lúc nào.
– Cần xây dựng góc đọc sách ở các nhóm lớp. Thường xuyên tồ chức theo từng nhóm trẻ làm sách tranh với sự giúp đỡ của GV ( viết lời thoại, đóng thành tập…). Nên sử dụng câu đơn giản, dựa trên tình tiết chính, lời ngắn ngọn, chữ to khi viết lời. 
 

Ngày đăng: 05/09/2016 - Bởi: Adminstrator
Đường dây nóng
Đang online: 153 Lượt truy cập: 26022469
Về đầu trang