Nuôi con – Dạy con là nghệ thuật
Tăng kích thước chữ : + -

 Trong chương trình hội thảo "Nghệ thuật nuôi con khỏe, dạy con nên người" vào sáng chủ nhật 15/9/2013, PSG.TS.BS Đoàn Thị Ngọc Diệp đã cung cấp kiến thức bổ ích đến các phụ huynh, giáo viên trường mầm non tư thục Hạnh Phúc giúp chúng ta nuôi dạy con trẻ tốt hơn.

 Đông đảo phụ huynh đã lắng nghe và ủng hộ chương trình

Vì sao tên chuyên đề là "Nghệ thuật nuôi con khỏe, dạy con nên người"? Bởi vì làm nghệ thuật, muốn thành công cần có đam mê, nhắc đến nghệ thuật chúng ta nghĩ đến tính nhân văn chứa đựng các giá trị cảm xúc của con người. Nuôi con, dạy con cũng là nghệ thuật của các bậc ông bà, cha mẹ. Nuôi con, dạy con cũng cần có đam mê, các bậc phụ huynh đừng nghĩ nuôi con phải chịu nhiều áp lực, đứa con là gánh nặng gia đình và cũng đừng áp dụng nhiều kỹ thuật cứng nhắc cho đứa trẻ. Làm sao để cha mẹ cảm thấy hạnh phúc khi được chăm sóc, nuôi dạy con và hơn nữa những đứa con cũng cảm nhận hạnh phúc và tình yêu của cha mẹ dành cho.

Nên làm gì để trẻ hình thành nhân cách tốt nhất?

Nhân cách của đứa trẻ chịu sự tác động ảnh hưởng của gen di truyền từ ông bà, cha mẹ, từ cách chăm sóc dạy dỗ của gia đình. Tuy đứa trẻ ở trường 8 tiếng đồng hồ mỗi ngày, tiếp xúc với bạn bè, thầy cô hằng ngày nhưng thực sự nhà trường không thể quyết định hoàn toàn tính cách của trẻ. Bởi một lớp học nếu có 30 đứa trẻ là có 30 tính cách khác nhau, và trẻ trưởng thành định hình nhân cách khác hẳn nhau dù được học chung một thầy, một giáo án. Thế nên, gia đình là nơi quyết định nhân cách của con người và trong đó người mẹ ảnh hưởng lớn nhất đến đứa con. 

BS Đoàn Thị Ngọc Diệp đưa ra dẫn chứng một trong những lý do quan trọng dẫn đến tình trạng khiến con người trở nên cộc cằn, trẻ con thường xuyên chán ăn, biếng ăn, những đứa trẻ nhìn thấy thức ăn là nôn ói.

Trẻ biết khóc khi đói, biết đau dạ dày khi bị ép uống, ép ăn, biết lè ra khi không thích món ăn, biết nghe tiếng nói thân quen của mẹ… Trẻ con biết vui, biết buồn, biết mệt, chẳng phải là "cỗ máy tự động" do đó nếu cha mẹ ép con ăn uống sinh hoạt theo lịch biểu (giờ nào ăn món gì, ăn bao nhiêu gam, uống bao nhiêu ml,…) trẻ sẽ chịu áp lực lớn và dẫn đến tình trạng trào ngược thực quản, biếng ăn,… nguy hiểm hơn nữa là ảnh hưởng đến nhân cách sau này của trẻ.

Trong 2 năm đầu đời, tác động "ép" của gia đình sẽ tạo dấu ấn trong suốt quãng đời còn lại của con người. Do đó, các bậc cha mẹ nên quan sát cảm xúc của trẻ (cách đơn giản nhất là liên tưởng cảm xúc bản thân, thí dụ khi trong người mình mệt mỏi, khó chịu mình cũng chán ăn, hay khi bị đau bụng, đau bao tử, mất ngủ thường sinh ra cáu gắt, nóng tính…) Trẻ con cũng như người lớn, có điều các bộ phận trong cơ thể của trẻ chưa hoàn thiện nên khi mệt trẻ sẽ mệt nhiều hơn, khi đau trẻ cũng đau nhiều hơn và dễ bị thương tổn về sinh lý, tâm lý hơn người lớn.

 

 


Ngày đăng: 16/09/2013 - Bởi: Adminstrator
Đường dây nóng
Đang online: 89 Lượt truy cập: 26026088
Về đầu trang