Bệnh tay chân miệng: khi nào nhập viện, tái khám, tái khám ngay?
Tăng kích thước chữ : + -

 Hiện nay bệnh tay chân miệng với tính chất dễ lây lan và một số trường hợp tử vong do biến chứng nặng đã gây hoang mang lo lắng cho cộng đồng, đặc biệt là các gia đình có trẻ nhỏ. Khi trẻ được chẩn đoán bị bệnh tay chân miệng thì rất nhiều phụ huynh thắc mắc, thậm chí bức xúc: tại sao con tôi không được nhập viện? Vậy trẻ bệnh tay chân miệng thì khi nào nhập viện? nếu không nhập viện thì khi nào tái khám? trẻ có dấu hiệu nào thì phải tái khám ngay?

   Cũng như bệnh sốt xuất huyết, bệnh tay chân miệng có các mức độ bệnh khác nhau. Phần lớn trẻ mắc bệnh ở mức độ nhẹ (độ I), nếu diễn tiến thuận lợi, không biến chứng thì sẽ khỏi bệnh sau 8 – 10 ngày. Một số trẻ có thể diễn tiến nặng hơn, xuất hiện các biến chứng và có thể tử vong. Theo Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh tay chân miệng của Bộ Y tế năm 2011, các trường hợp bệnh tay chân miệng nhẹ (độ I) sẽ được điều trị ngoại trú, tức là sau khi khám tại cơ sở y tế, trẻ được chăm sóc tại nhà, được hướng dẫn theo dõi và tái khám. Có 2 tình huống tái khám:

   1. Tái khám ngay (bất kể giờ nào), nếu trẻ xuất hiện bất kỳ 1 trong những dấu hiệu sau đây:

      – Sốt cao

      – Thở bất thường

      – Quấy khóc liên tục

      – Khó ngủ hoặc ngủ li bì

      – Giật mình, hốt hoảng, chới với

      – Run giật tay chân, co giật

      – Nôn ói nhiều, bỏ bú

      – Yếu liệt tay chân

      – Da nổi bông

   Lưu ý: phụ huynh khó thể đánh giá chính xác các biểu hiện của trẻ bệnh, vì vậy, khi nghi ngờ trẻ có bất kỳ biểu hiện nào giống như một trong các biểu hiện đã kể trên thì cần đưa trẻ đi khám lại ngay, BS khám lại sẽ đánh giá tình trạng trẻ bệnh tại thời điểm đó: nếu đúng là dấu hiệu báo động thì trẻ sẽ nhập viện; nếu chưa phải thì trẻ có thể được tiếp tục theo dõi tại nhà, được hướng dẫn theo dõi và tái khám.

   2. Nếu không có bất kỳ dấu hiệu nào kể trên và trẻ có vẻ diễn tiến tốt hơn:

      – Trẻ sẽ tái khám theo ngày hẹn của BS đã khám, thường là tái khám mỗi ngày hoặc mỗi 2 ngày trong 8 – 10 ngày đầu của bệnh.

      – Sự phối hợp chặt chẽ của gia đình sẽ góp phần làm tăng hiệu quả điều trị cho trẻ em bị bệnh tay chân miệng.

Nguồn: Nhi An (BV Nhi Đồng 1)

 

Tin liên quan:

Cảnh báo bệnh tay chân miệng lây lan trong trường học

Phòng bệnh tay – chân – miệng cho trẻ tại nhà

Đừng chủ quan với bệnh tay chân miệng trong năm 2012

Chăm sóc đúng cách trẻ mắc bệnh tay chân miệng tại nhà

 


Ngày đăng: 24/08/2012 - Bởi: Adminstrator

Đường dây nóng
Đang online: 12 Lượt truy cập: 26019786
Về đầu trang