Không chỉ tay chân miệng, nhiều dịch bệnh khác cũng đang vào mùa
Tăng kích thước chữ : + -

 Không chỉ tay chân miệng, nhiều dịch bệnh khác cũng đang vào mùa

Bệnh tay chân miệng

Tay chân miệng là bệnh nhiễm virus nhẹ, dễ lây lan phổ biến ở trẻ nhỏ dưới 10 tuổi, với dấu hiệu đặc trưng là các vết loét ở miệng, phát ban ở bàn tay, bàn chân. Nguyên nhân gây bệnh tay chân miệng là virus coxsackievirus A16 và enterovirus 71. 

Ăn uống là nguồn lây lan chính của nhiễm trùng coxsackievirus và bệnh tay chân miệng. Bệnh lây lan qua tiếp xúc trực tiếp với người bị nhiễm bệnh: tiết dịch mũi hoặc dịch họng, nước bọt, chất lỏng từ mụn nước, ho hoặc hắt hơi. 

Khi bị tay chân miệng, trẻ có các triệu chứng như sốt, viêm họng, cảm thấy khó chịu, đau, đỏ giống như vảy trên lưỡi, nướu, bên trong má, chán ăn. Ngoài ra, bệnh nhi còn phát ban đỏ, không ngứa nhưng đôi khi bị phồng rộp trên lòng bàn tay, bàn chân, trường hợp hiếm có thể xuất hiện trên mông.
Khoảng thời gian thông thường từ nhiễm trùng ban đầu đến lúc bắt đầu có dấu hiệu bệnh (thời gian ủ bệnh) là 3-6 ngày. Sốt là dấu hiệu đầu tiên của bệnh tay chân miệng, sau đó sẽ có triệu chứng đau họng và khó chịu. 1-2 ngày sau khi sốt, các vết loét có thể phát triển ở miệng hoặc cổ họng. Phát ban ở tay và chân xảy ra trong vòng 1-2 ngày.
Bệnh tay chân miệng sẽ biến mất sau 7-10 ngày, không có cách điều trị bệnh và vắc xin phòng ngừa. Bạn có thể giảm bớt các triệu chứng cho trẻ bằng thuốc giảm đau không kê đơn như ibuprofen hoặc acetaminophen, thuốc rửa mũi miệng. Tuyệt đối không sử dụng aspirin để giảm đau vì nó có thể gây biến chứng nghiêm trọng ở trẻ nhỏ.
Sau khi khỏi bệnh, virus vẫn có thể ở lại trong cơ thể của trẻ trong nhiều ngày hoặc vài tuần. Cách tốt nhất để ngăn ngừa tái phát bệnh và lây nhiễm là rửa tay kỹ lưỡng. Bố mẹ cũng cần vệ sinh tay chân sạch sẽ sau khi thay tã, vệ sinh cho bé. Đặc biệt, không nên cho bé đi học trước khi khỏi hẳn bệnh.
Mặc dù hiếm gặp, bệnh tay chân miệng nếu không được điều trị kịp thời, có thể gây biến chứng nghiêm trọng như viêm màng não, viêm não, đe dọa đến tính mạng.
Tại Việt Nam, bệnh tay chân miệng là bệnh lưu hành và gặp tại hầu hết 63 tỉnh, thành phố, bệnh ghi nhận ở nước ta từ năm 2005. 9 tháng đầu năm cả nước ghi nhận 61.821 trường hợp mắc tay chân miệng rải rác tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó có 29.324 trường hợp nhập viện và 6 trường hợp tử vong tại 5 tỉnh, thành phố thuộc khu vực phía Nam.
So với cùng kỳ năm 2017, số mắc cả nước giảm 18,9%, số trường hợp nhập viện giảm 14,9%. Số mắc chủ yếu ghi nhận ở khu vực miền Nam 47.955 trường hợp (chiếm 77,6%), miền Bắc 6.558 trường hợp (chiếm 10,6%), miền Trung 6.236 trường hợp (chiếm 10,1%) và Tây Nguyên 1.072 trường hợp (chiếm 1,7%).
Bệnh nhân chủ yếu là trẻ dưới 10 tuổi (chiếm 99,5%), trong đó hay gặp ở nhóm từ 1-5 tuổi, tuổi trẻ đi nhà trẻ và mẫu giáo (chiếm 79%) và dưới 1 tuổi (chiếm 17%).
Bệnh sởi
Bệnh sởi do virus sởi thuộc nhóm Paramyxovirus gây nên. Đây là loại virus có sức chịu đựng yếu, dễ bị tiêu diệt bởi các thuốc sát khuẩn thông thường, ánh sáng mặt trời… Virus sởi tồn tại ở họng và máu bệnh nhân từ cuối thời kỳ ủ bệnh đến sau khi phát ban một thời gian ngắn.
Bệnh rất dễ lây lan qua đường hô hấp, khi bệnh nhân ho, hắt hơi, nói chuyện. Bạn cũng có thể nhiễm bệnh nếu để bàn tay tiếp xúc với một bề mặt đã có nhiều virus sởi rồi sau đó đưa lên miệng hoặc mũi. Virus sởi có thể tồn tại trong môi trường vài giờ. Khi đã xâm nhập vào cơ thể, virus sởi sẽ nhanh chóng sinh sôi trong vòm họng, phổi trước khi lây lan ra toàn bộ cơ thể.
Triệu chứng của bệnh sởi xuất hiện khoảng 10-14 ngày sau khi tiếp xúc với siêu vi khuẩn này. Dấu hiệu thường thấy là sốt, ho khan, sổ mũi, viêm họng, viêm kết mạc, các đốm trắng nhỏ bên trong má, phát ban da thành những đốm lớn. Những yếu tố nguy cơ gây bệnh sởi bao gồm người chưa được tiêm chủng. Ngoài ra, những người thiếu vitamin A có nhiều khả năng bị bệnh sởi và biến chứng nặng hơn.
Virus sởi phá hủy lớp biểu mô niêm mạc, hệ thống miễn dịch, làm giảm lượng vitamin A. Vì vậy, bạn có nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm khác như viêm tai, viêm phế quản, viêm thanh quản, viêm phổi, viêm não. Phụ nữ mang thai cần lưu ý tránh mắc bệnh sởi vì có thể gây sinh non, sinh nhẹ cân, tử vong ở người mẹ. Hiện, bệnh chưa có thuốc đặc trị, nên chủ yếu là điều trị triệu chứng, chăm sóc, phòng ngừa biến chứng.
Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban, cha mẹ cần sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để kịp thời khám, điều trị phòng ngừa các biến chứng, diễn biến nặng của bệnh.
Từ đầu năm đến nay, Việt Nam ghi nhận 2.942 trường hợp sốt phát ban tại 51 tỉnh, thành phố, trong đó 1.093 trường hợp mắc sởi dương tính tại 40 tỉnh, thành phố, trong đó có một trường hợp tử vong tại Hưng Yên (bệnh nhân có bệnh lý nền viêm phổi kéo dài). So với cùng kỳ năm 2017, số mắc sốt phát ban tăng 10,2 lần.
Các tỉnh có số bệnh nhân mắc sốt phát ban và sởi dương tính cao như: Hà Nội (531 trường hợp sốt phát ban, 307 dương tính), Lào Cai (481 trường hợp sốt phát ban, 162 dương tính), Điện Biên (468 trường hợp sốt phát ban, 33 dương tính), Thanh Hóa (236 trường hợp sốt phát ban, 129 dương tính), Sơn La (186 trường hợp sốt phát ban, 83 dương tính), Quảng Ninh (106 trường hợp sốt phát ban, 61 dương tính). Độ tuổi mắc chủ yếu ở nhóm trẻ dưới 9 tháng tuổi chiếm 21,4% và 1-4 tuổi chiếm 37,8%.
Bệnh sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết là bệnh do virus Dengue gây ra. Đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính và lây lan chủ yếu do loại muỗi vằn hút máu từ người mắc bệnh truyền sang người lành. Nó không lây lan trực tiếp từ người sang người.
Dấu hiệu của sốt xuất huyết bao gồm sốt cao đột ngột, nhức đầu nặng, đau nhức mắt, đau khớp, cơ bắp, mệt mỏi, buồn nôn, nôn mửa, phát ban da (xuất hiện 2-5 ngày sau khi bị sốt), chảy máu nhẹ (chảy máu mũi, nướu răng hoặc dễ bầm tím).
Các triệu chứng xuất hiện 4-6 ngày sau khi nhiễm bệnh và kéo dài đến 10 ngày. Biến chứng nghiêm trọng của sốt xuất huyết là tổn thương bạch huyết, mạch máu, chảy máu mũi, nướu răng nhiều, tổn thương gan, phổi, tim, thậm chí có thể bị sốc, thậm chí tử vong.
Không có thuốc cụ thể điều trị sốt xuất huyết, bạn chỉ có thể sử dụng thuốc giảm đau với acetaminophen. Người bệnh không nên dùng aspirin vì có thể gây chảy máu nặng hơn. Nếu cảm thấy cơ thể tồi tệ hơn sau 24 giờ đầu phát bệnh, bạn nên đến bệnh viện để kiểm tra.
Bệnh sốt xuất huyết lưu hành tập trung chủ yếu tại các tỉnh miền Nam và miền Trung. Bệnh có tính chất chu kỳ bùng phát 4-5 năm/lần. Trung bình mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 100.000 trường hợp mắc và 100 bệnh nhân tử vong.
Trong vòng 9 tháng đầu năm, cả nước ghi nhận 67.414 trường hợp mắc tại 62/63 tỉnh, thành phố, trong đó có 11 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ 2017 (145.258/33) số mắc cả nước giảm 53,6%, số tử vong giảm 22 trường hợp.
Bệnh cúm mùa
Cúm mùa là một bệnh nhiễm trùng hô hấp (mũi, cổ họng, phổi) cấp tính do virus cúm gây nên. Bệnh xảy ra hàng năm, thường vào mùa đông xuân. Các virus cúm truyền qua không khí khi người nhiễm bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện. Nó có thể gây bệnh nhẹ đến nặng, đôi khi dẫn đến tử vong.
Dấu hiệu bệnh cúm mùa là sốt, ho, viêm họng, chảy nước mũi, nghẹt mũi, nhức mỏi cơ thể, đau đầu, ớn lạnh, mệt mỏi, đôi khi tiêu chảy và ói mửa.
Nếu bạn còn trẻ và khỏe mạnh, cúm mùa thường không nghiêm trọng, có thể khỏi sau 1-2 tuần. Tuy nhiên, trẻ em và người già, người có hệ miễn dịch yếu dễ gặp các biến chứng như viêm phổi, viêm phế quản, hen suyễn, vấn đề tim mạch.
Theo: Phương Mai (Nguồn: news.zing.vn)

Ngày đăng: 04/10/2020 - Bởi: Adminstrator

Đường dây nóng
Đang online: 121 Lượt truy cập: 25998143
Về đầu trang