Các dấu hiệu cần theo dõi trẻ sau chấn thương đầu tại nhà
Tăng kích thước chữ : + -

Dạo gần đây khoa Ngoại Tổng Hợp Bệnh Viện Nhi Đồng 1 tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ bị chấn thương đầu do tai nạn giao thông và nhất là do tai nạn sinh hoạt. Hầu như các trường hợp là trẻ nhỏ trong độ tuổi chập chững biết đi. Trẻ dễ bị té ngã chỉ trong vòng một phút chúng ta rời mắt khỏi trẻ.

  Ví dụ như trường hợp bé TR.T.L, 4 tuổi, nhà ở TP Hồ Chí Minh, bé nhập viện với chẩn đoán là nứt sọ do bé chạy chơi, té cầu thang đập đầu xuống sàn nhà.

  Qua trường hợp trên chúng tôi xin nhắc nhở quý phụ huynh hãy trông coi các bé cẩn thận, nhất là các bé nhỏ vì bé rất hiếu động, dễ té ngã. Đối với trẻ lớn, chúng ta phải hướng dẫn trẻ đi đứng cẩn thận. Nếu chẳng may bé bị té ngã, chúng ta không nên la mắng vì sẽ làm bé cảm thấy sợ hãi hơn.

  Chúng ta cần bĩnh tĩnh để có hướng xử trí tốt nhất cho bé. Nên đưa bé đến các cơ sở y tế để thăm khám. Nếu bé được điều trị tại nhà thì cần theo dõi các dấu hiệu sau đây.

    Đối với trẻ nhỏ dưới 1 tuổi:
– Bé ngủ li bì khó đánh thức.
– Bé khóc dỗ không nín.
– Ói liên tục dù không ăn uống gì.
– Co giật.
– Ăn ít hơn phân nửa thường ngày.
– Bỏ ăn hoặc bỏ bú.


    Đối với trẻ lớn hơn 1 tuổi
– Trẻ lơ mơ, ngủ khó đánh thức.
–  Co giật.
–  Đau đầu nhiều, dùng thuốc giảm đau không giảm.
– Ói nhiều.
–  Thay đổi trong dáng đi, đứng.
–   Mắt mờ.
–   Nói lắp.


Nếu trẻ ngủ hãy để trẻ ngủ bình thường, nhưng quý phụ huynh nên đánh thức và kiểm tra các dấu hiệu trên nếu trẻ đã ngủ hơn 2 giờ.

Nếu trẻ có bất kỳ các dấu hiệu nào như trên hoặc khi quý phụ huynh có bất kỳ lo lắng nào thì hãy trở lại bệnh viện ngay.

ĐD. Ngọc Lan – Khoa Ngoại Tổng hợp Bệnh Viện Nhi Đồng 1
 


Ngày đăng: 25/04/2016 - Bởi: Adminstrator

Đường dây nóng
Đang online: 82 Lượt truy cập: 26022763
Về đầu trang