Chăm sóc và chữa trị trẻ đái dầm
Tăng kích thước chữ : + -

 Một trong những mối lo lắng của cha mẹ khi tìm đến các bác sĩ tham vấn tại Khoa Khám bệnh- Bệnh viện Nhi Đồng 1 là con lớn rồi mà vẫn còn đái dầm. Có bé đã học cấp I, thậm chí cấp II, chỉ vì bị chứng đái dầm mà không chịu đến trường vì xấu hổ khi bị bạn bè chọc ghẹo. Đái dầm có phải là bệnh lý hay không? Chứng đái dầm chữa trị như thế nào? Tiến sĩ Bác sĩ Huỳnh Thoại Loan, Trưởng Khoa Thận – Nội tiết Bệnh viện Nhi Đồng 1 sẽ trả lời những thắc mắc này cho các bạn

   Thưa Ts.Bs Huỳnh Thoại Loan phụ huynh nên hiểu chứng đái dầm ở trẻ em là gì?
   Ts Bs Huỳnh Thoại Loan: Đái dầm được định nghĩa là tình trạng rỉ nước tiểu không kiểm soát, xảy ra trong lúc ngủ. Trong quá trình phát triển của mình, đứa trẻ sẽ dần dần nhận biết rằng chúng có thể kiểm soát được việc tiểu tiện ở lứa tuổi lên 4 – 5, thế nhưng có khoảng  20% trẻ ở lứa tuổi mẫu giáo và 10% trẻ dưới 10 tuổi lại mắc chứng đái dầm. Khi cơ bàng quang giãn ra, thay vì tự thức dậy để đi tiểu thì những trẻ này vẫn tiếp tục ngủ, và thế là giấc ngủ của trẻ sẽ trở nên ẩm ướt vì sự tiểu tiện mất kiểm soát.
   Thưa Ts.Bs Huỳnh Thoại Loan đái dầm thường gây ra những tác hại như thế nào đối với sức khỏe của trẻ?
   Ts Bs Huỳnh Thoại Loan: Ngoài một số bệnh lý gây đái dầm như nhiễm trùng tiểu, tiểu đường – thường kèm theo một số triệu chứng khác – thì đái dầm đơn thuần không phải là bệnh lý. Tác hại thường thấy nhất của chứng đái dầm là làm trẻ khó chịu khi ngủ và gây ra chứng stress (sang chấn tâm lý) ở trẻ lớn. Trẻ sẽ cảm thấy xấu hổ và không dám tham gia vào các hoạt động tập thể, những trẻ học bán trú phải ngủ lại trường sẽ có tâm lý sợ đến trường, từ đó ảnh hưởng đến kết quả học tập.
   Nếu trước đó trẻ không đái dầm nhưng thời gian gần đây lại xuất hiện dấu hiệu này thì nhiều khả năng trẻ đang bị căng thẳng. Đái dầm có thể xuất hiện khi trẻ bị các chấn động tâm lý như ba mẹ ly hôn, có người thân qua đời hay mẹ sinh em bé. Trong những tình huống này, cha mẹ nên giúp nâng đỗ tinh thần trẻ và khuyến khích bé nói ra nỗi lo sợ của mình.
   Như vậy tình trạng này cần được chữa trị ra sao thưa bác sĩ?
   Ts Bs Huỳnh Thoại Loan: Cha mẹ có thể áp dụng một số cách chữa trị “không dùng thuốc” để hạn chế tình trạng đái dầm của bé:
      – Không bao giờ la mắng, phê phán hay trừng phạt khi trẻ đái dầm.
      –  Khuyến khích trẻ cùng dọn dẹp chăn đệm khi thức dậy để tạo cho trẻ tinh thần trách nhiệm.
      – Khen ngợi khi trẻ không đái dầm trong đêm.
      – Tập thói quen đi tiểu trước khi ngủ.
      – Hạn chế uống nước trước khi ngủ.
      – Tránh làm trẻ xấu hổ khi kể với người khác về chứng đái dầm của trẻ.
Thực hiện: ThS BS Đinh Thạc (BV Nhi Đồng 1)

Ngày đăng: 05/03/2013 - Bởi: Adminstrator

Đường dây nóng
Đang online: 30 Lượt truy cập: 26032081
Về đầu trang