Chuẩn bị tâm thế cho trẻ “trước lớp 1”
Tăng kích thước chữ : + -

Phần lớn trẻ 5 – 6 tuổi đã quan tâm đến việc học. Trẻ tò mò muốn tìm hiểu thế giới xung quanh, muốn thu thập kiến thức và đặt ra rất nhiều câu hỏi cho người lớn. Các bé quan tâm khá lâu đến một đề tài cố định và tiếp tục thực hiện công việc cho dù khó khăn và phải mất khá nhiều công sức.
 
Nhiều nhà tâm lý học có chung một nhận định là sự phát triển của trẻ là quá trình cá nhân và diễn ra với tốc độ đặc trưng cho từng trẻ. Thứ tự để trẻ đạt đến các giai đoạn phát triển và kỹ năng tương ứng là cố định và có thể dự đoán trước. Tuy nhiên ở lứa tuổi mẫu giáo có sự khác biệt lớn trong phát triển, chẳng hạn trong nhóm trẻ 5 tuổi có những bé phát triển tương đương trẻ 7 tuổi, nhưng cũng có những bé chỉ tương đương trẻ 3 – 4 tuổi. Điều đó có nghĩa là không phải tất cả trẻ mẫu giáo 5 tuổi đều đồng thời đạt tới giai đoạn sẵn sàng tâm thế để vào lớp 1 theo các yêu cầu và tác nhân bên ngoài.
 
Điều quan trọng trong giáo dục "trước lớp một" là điều chỉnh được yêu cầu cho tương hợp với khả năng của trẻ, bởi động cơ thúc đẩy học tập của trẻ được hình thành ngay trong giai đoạn này. Một thành tích, dù nhỏ cũng có tác dụng động viên, khích lệ trẻ cố gắng học tập.
 
 
 
Sự sẵn sàng tâm thế cho học tập là tập hợp các kỹ năng, đặc điểm và hiểu biết mà nhờ đó trẻ có thể tự giải quyết được những yêu cầu đặt ra ở trường. Điều quan trọng nữa là các cơ quan thị giác và thính giác của trẻ phải hoạt động bình thường và có khả năng phối hợp tốt với nhau. Đôi khi xảy ra trường hợp là trẻ học được một thời gian khá dài và gặp một số khó khăn đầu tiên trong việc nghe – nhìn thì người ta mới tiến hành kiểm tra thị lực và thính lực của trẻ.
 
Khía cạnh tiếp theo là sự sẵn sàng về nhận thức, bao gồm vốn kiến thức tương thích với lứa tuổi, khả năng suy nghĩ hợp lý và khả năng sử dụng những thông tin thu thập được. Ngoài ra còn có khả năng phân tích và tổng hợp về mặt thính giác (phân biệt được từ trong câu và sắp xếp các từ thành câu), khả năng phát âm rõ ràng, khả năng trả lời hợp logic, khả năng phân biệt các hình dạng… Một yếu tố được cho là rất quan trọng, đó là khả năng tập trung sự chú ý và duy trì nó mặc dù có những tác nhân kích thích khác có thể làm trẻ xao lãng.
 
Vốn kiến thức, kinh nghiệm xã hội và văn hóa, tức là tất cả những gì trẻ học được trong giai đoạn "mới vào lớp một" bằng sự cố gắng của bản thân cùng sự tác động có mục đích của giáo viên và phụ huynh, là nền tảng quan trọng cho công việc học tập tiếp theo ở trường. Sự cân bằng giữa mức độ phát triển, khả năng tiếp thu của trẻ với những yêu cầu mà nhà trường đặt ra là yếu tố quyết định thành công trong giáo dục.
 
Theo GD&TĐ

Ngày đăng: 22/04/2013 - Bởi: Adminstrator

Đường dây nóng
Đang online: 96 Lượt truy cập: 26015924
Về đầu trang