Cùng con vào lớp Một: Các kỹ năng cần thiết
Tăng kích thước chữ : + -

 Để các bé đến trường không bỡ ngỡ, lo sợ, phụ huynh cần chuẩn bị kỹ về tâm lý, và những kỹ năng cần thiết cho con.

Khi con bạn chuẩn bị vào lớp 1, nghĩa là bé vừa kết thúc giai đoạn học mẫu giáo. Việc thay đổi môi trường sinh hoạt và học tập sẽ khiến bé bỡ ngỡ và có thể gặp không ít khó khăn. Từ việc quen được chăm sóc, vui chơi, bé sẽ phải tập thích nghi với môi trường mới, trong đó hoạt động học tập là chính, phải ngồi một chỗ, viết bài, làm toán trong thời gian dài. Chính vì vậy việc các bậc cha mẹ phải có sự chuẩn bị các kĩ năng cho con trước khi bé vào lớp 1 là điều rất quan trọng. 
 
Trên thực tế thì sau thời gian khai giảng nhiều trẻ rơi vào trạng thái tâm lí lo âu, hoảng sợ do tâm lý bé chưa được ổn định công thêm các kỹ năng còn yếu.
 
Một trong những sai lầm ảnh hưởng rất nhiều tới trẻ hiện nay là tình trạng cha mẹ bắt ép con trẻ học quá sớm, dẫn tới việc trẻ chủ quan, khi đến lớp sẽ không tập trung. Chưa kể, phương pháp dạy ở nhà không đúng sẽ hình thành nên một thói quen tư duy sai lầm sau này ăn sâu vào tiềm thức trẻ rất khó để thay đổi, sửa chữa lại. Các chuyên gia tâm lý trẻ em đã khẳng định việc ép con học chữ sớm là làm hại trẻ,  có thể gây tổn hại tâm lý cho trẻ. Ngoài ra, cho trẻ đến lớp luyện viết chữ và tập đọc trước khi vào lớp 1, vô tình chúng ta đã “đánh cắp" tuổi thơ của con.
 
Vậy trẻ có cần học không? Rất cần! Trẻ cần cha mẹ dạy dỗ hợp lý và khoa học, phù hợp với tâm sinh lý của trẻ.
 
Trước hết chúng ta cần thống nhất quan điểm: trẻ cần được trang bị những kiến thức, kỹ năng nền tảng để chuẩn bị tốt nhất cho việc vào lớp 1 chứ không phải trẻ cần học trước chương trình lớp 1. Trẻ cần nhận biết thế giới xung quanh, biết các mối quan hệ xã hội bên ngoài gia đình, biết mơ ước về tương lai, biết các kỹ năng tự bảo vệ – giữ cho mình được an toàn, biết sơ lược về chữ cái, về số học, toán học…hay đơn giản trẻ cần biết tự phục vụ bản thân vì lên lớp 1 không có cô bảo mẫu nữa. 
 
Làm sao để trẻ học hòa đồng được cùng các bạn đồng thời thích học, chăm học? Làm sao để trẻ không bị “đánh cắp tuổi thơ”? Làm sao để trẻ không mất cơ hội vui chơi, học hỏi các kỹ năng sống, rèn luyện sức khỏe, sự dẻo dai, tư duy tập trung… tạo tiền đề cho việc học sau này nhưng vẫn không tụt lùi so với các bạn đã học sớm? Chỉ cần cha mẹ thực sự muốn những điều tốt đẹp cho con sẽ có cách sáng tạo riêng để “dạy” con học. 
 
Các bé lớp Lá học nhận biết đồ vật hình khối
 
Cách tốt nhất để giúp con tự tin vào lớp 1 là dạy con học hàng ngày qua các trò chơi: cha mẹ chơi cùng con, cha mẹ mua đồ chơi phù hợp cho trẻ, cha mẹ tạo không gian vui chơi cho con cùng bạn bè, cha mẹ có thể đưa con đi chơi tại công viên, khu vui chơi dành cho trẻ… Có rất nhiều cơ hội vui chơi cho trẻ ở bất cứ đâu. Trò chơi vận động chạy nhảy cùng bạn bè, cha mẹ, trò chơi trí tuệ (xếp hình, vẽ tranh…), trò chơi giải trí (xem phim, nghe ca nhạc, hát, múa…)… Thông qua các hoạt động vui chơi đa dạng phong phú, trẻ sẽ học được nhiều điều hay: gần gũi cha mẹ, hợp tác với bạn bè, luyện khéo léo cơ thể (nhất là đôi bàn tay), khỏe mạnh, vui vẻ…
 
Dưới đây là vài gợi ý để cha mẹ giúp trẻ vừa chơi vừa học:
 
– Tăng cường vốn từ vựng và khả năng đọc cho trẻ: Đọc truyện cho bé hàng ngày và đọc từ nào thì chỉ vào từ đó. Đọc một từ thật to, nói “cá” và chỉ cho bé xem từ “cá” và hình ảnh con cá minh họa. Với cách này, bé sẽ tập nói bằng sự liên hệ giữa từ ngữ và hình ảnh.
 
– Nói chuyện với bé càng nhiều càng tốt. Ngôn ngữ càng đơn giản và có tính miêu tả càng tốt. Nói về những gì bé quan tâm, nói về những gì bé nhìn, nghe, sờ, ngửi, nếm, thấy. Và mô tả các vận động của bé khi cử động. Mẹ con cùng đóng kịch, tập kể chuyện, …
 
– Luyện sự khéo léo của đôi bàn tay và học viết chữ: Cho bé tô màu, tô chữ, nặn tượng, cắt dán….
 
– Học toán: Trò chơi: Đếm, đếm, đếm: cha mẹ cùng con đếm mọi vật xung quanh. Đếm số bát trên bàn ăn, đếm số người trong gia đình, đếm xe qua lại trên đường…
 
– Phân loại đồ vật: Giúp bé học cách phân loại động vật, xe cộ, sách, đồ chơi hoặc những đồ vật mà bé thích. Hãy phân loại theo nhiều cách khác nhau (chẳng hạn theo kích cỡ, màu sắc, vật liệu, chức năng, hình dạng, số chân/bánh xe…
 
– Nhận biết thời gian: tập nhìn đồng hồ, quy định số phút cho mỗi trò chơi, thi: ai nhanh hơn,…
 
– Nhận biết hình dạng đồ vật: Cha mẹ chỉ cho bé các vật xung quanh nhà: như tivi hình chữ nhật, cái bát hình tròn… Đố bé đi tìm các vật có hình tròn, hình vuông, …
 
– Ngoài ra, cha mẹ rất cần dạy con tính tự giác: vào bàn học đúng giờ (mỗi lần tập ngồi học chỉ nên 10-15 phút), hoàn thành nhiệm vụ được giao đúng thời hạn (ví dụ: quy định tô chữ 1 trang trong 10 phút), tự thay đồ, tự xúc ăn, tự đi vệ sinh, tự sắp xếp quần áo, sách vở…
 
Ngoài việc hiểu và thông cảm với những khó khăn về tâm lý của bé khi bước vào lớp 1, cha mẹ cũng cần trang bị cho mình phương pháp đúng để giúp bé có các kỹ năng cần thiết nữa khi bước vào giai đoạn học tập chính thức đầu tiên trong cuộc đời. Và chắc chắn rằng những đứa con thân yêu của bạn sẽ nhanh chóng trở thành những học sinh khỏe mạnh, vui vẻ và chăm ngoan.
Nguồn: Đài Phát thanh – Truyền hình Hà Nội tổng hợp  

Ngày đăng: 09/06/2014 - Bởi: Adminstrator

Đường dây nóng
Đang online: 18 Lượt truy cập: 26012243
Về đầu trang