Ho gà: Nhiều biến chứng nguy hiểm
Tăng kích thước chữ : + -

 Ho gà là bệnh lây lan cao, xảy ra ở mọi lứa tuổi, đặc biệt ở trẻ nhỏ. Trước đây, bệnh chủ yếu xảy ra ở trẻ dưới sáu tuổi, nhưng hiện nay bệnh đang có xu hướng chuyển sang nhóm trẻ lớn, người lớn. ThS-BS Trần Anh Tuấn, Trưởng khoa hô hấp, Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết.

70% bị lây trong gia đình
 
Trẻ em, người không chủng ngừa hoặc chủng ngừa không đủ dễ bị mắc bệnh ho gà và có nhiều nguy cơ bị bệnh nặng. Bệnh xảy ra quanh năm nhưng thường xảy ra vào mùa lạnh. Ho gà chủ yếu lây lan do tiếp xúc với người mang mầm bệnh ngay trong nhà (70-100%) hơn là tại trường học (25-50%). Nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy, mẹ là nguồn lây ho gà chính cho con trẻ chưa được tiêm ngừa hoặc tiêm ngừa không đầy đủ..
 
Thuốc chủng ngừa ho gà có thể bảo vệ trẻ nhỏ không bị bệnh nặng và tử vong, nhưng ngay cả những người được chủng ngừa vẫn có thể bị bệnh ho gà nhẹ. Thuốc chủng ngừa chỉ có thể phòng bệnh trong năm-mười năm sau khi chích liều cuối cùng.
 
Bệnh ho gà dễ bị nhầm lẫn với bệnh viêm tiểu phế quản, lao, suyễn, dị vật đường thở, viêm khí – phế quản… vì thường gây những cơn ho giống nhau và gây ho kéo dài.
 
 
Khó chẩn đoán, nhiều biến chứng
 
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, ho gà có biểu hiện ho ít nhất hai tuần kèm theo một trong các triệu chứng sau: cơn ho kịch phát, tiếng rít, ói sau cơn và không có nguyên nhân rõ ràng khác. Nếu người bệnh từng tiếp xúc với ca ho gà đã được xác định sẽ là cơ sở giúp củng cố hơn cho việc chẩn đoán.
 
Theo ThS-BS Trần Anh Tuấn, bệnh ho gà gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, chiếm khoảng 5-6%, tập trung ở trẻ dưới sáu tháng. Nhiễm trùng là biến chứng chính với biểu hiện bệnh viêm phổi, viêm tai, trong đó viêm phổi thường gặp nhất và gây tử vong cao. Biến chứng thần kinh thường xảy ra ở trẻ dưới 12 tháng tuổi với triệu chứng co giật, bệnh lý não (tỷ lệ 0,9/100.000 ca). Biến chứng do tăng áp lực ở lồng ngực hay bụng sẽ gây xuất huyết (mắt, mặt, mũi, nội sọ), tràn khí dưới da, tràn khí màng phổi, thoát vị rốn – bẹn, sa trực tràng. Nhiều trường hợp trẻ còn bị mất nước, sụt cân.
 
Những trường hợp trẻ bị ho gà dẫn đến tử vong, nguyên nhân thường do bị viêm phổi, hít sặc (tập trung chủ yếu ở trẻ dưới một tuổi chiếm 3/4).
 
Chủng ngừa: Biện pháp hiệu quả cao
 
Bệnh nhân ho gà cần tránh tiếp xúc với trẻ em, đặc biệt là trẻ chưa chủng ngừa cho đến khi đã điều trị đủ liều kháng sinh năm ngày (nếu được điều trị kháng sinh thích hợp) hoặc ba tuần (nếu chưa được điều trị kháng sinh thích hợp).
 
ThS-BS Trần Anh Tuấn khẳng định: Chủng ngừa là biện pháp hiệu quả giúp giảm số trường hợp mắc bệnh, giảm tỷ lệ tử vong, đặc biệt đối với trẻ em, có thể bảo vệ được 90-95% trẻ. Hiện nay, thế giới đã khuyến cáo đưa các mũi tiêm nhắc ho gà vào lịch tiêm chủng hiện hành cho trẻ bốn-sáu tuổi hoặc trẻ vị thành niên, vì thuốc chủng ngừa chỉ có thể phòng bệnh trong năm-mười năm sau khi chích liều cuối cùng. Kể cả người lớn cũng cần được tiêm nhắc vì có nguy cơ cao lây truyền ho gà cho trẻ nhũ nhi. Hoặc tiêm nhắc cho tất cả những thành viên trong gia đình (cho mẹ, anh chị em của bé sơ sinh) để tránh lây ho gà cho trẻ sơ sinh. Hơn nữa, đối với người (ở mọi lứa tuổi) tiếp xúc gần gũi với bệnh nhân ho gà, dù đã chủng ngừa hay chưa cũng nên được dùng kháng sinh dự phòng như Erythromycine, Azithromycin.
 
Nếu trẻ bị mắc ho gà nhẹ có thể điều trị ngoại trú. Tuy nhiên, cần lưu ý chăm sóc trẻ như sau: cho trẻ nghỉ tại nhà. Cho trẻ uống kháng sinh đúng theo chỉ định của bác sĩ. Không nên nôn nóng vì bệnh có thể kéo dài sáu-tám tuần. Cần cho trẻ ăn uống đầy đủ các chất để tránh suy dinh dưỡng, không nên kiêng ăn. Có thể chia cữ ăn/bú thành nhiều cữ nhỏ để trẻ không bị ói. Cần cho trẻ ăn bù lại sau mỗi cơn ho gây nôn ói và cho trẻ uống nhiều nước. Trong cơn ho tránh để trẻ hít sặc chất ói. Sau mỗi cơn ho, làm sạch đàm dãi, hút/lau sạch mũi và miệng trẻ để giúp đường thở thông thoáng. Không lạm dụng thuốc kháng sinh, an thần, giảm ho, kháng histamines vì không hiệu quả mà còn có thể gây hại cho trẻ. Cần cho trẻ đến khám lại khi thấy có những biểu hiện xấu hơn như: nôn nhiều, thể trạng gầy sút nhiều, ho ngày càng nhiều, khó thở (thở nhanh, thở co lõm lồng ngực), có cơn ngưng thở, tím tái giữa các cơn ho, co giật. Lưu ý, với trẻ dưới sáu tháng tuổi thì phải đưa đến bệnh viện khám và điều trị.
 
An Hà (phunuonline)

Ngày đăng: 16/04/2013 - Bởi: Adminstrator

Đường dây nóng
Đang online: 15 Lượt truy cập: 26032050
Về đầu trang