Làm gì khi trẻ bị táo bón ?
Tăng kích thước chữ : + -

 Đi cầu là một quá trình sinh lý giúp thải loại những chất cặn bã không được cơ thể sử dụng. Quá trình đi cầu bình thường mang lại cho con người cảm giác thoải mái. Khi quá trình này bị trục trặc, làm chuyện đi cầu trở nên khó khăn, sẽ gây táo bón.

Ở trẻ em, táo bón gây đau khi đi cầu, trẻ sợ đi cầu nên chủ động nín giữ phân, khối phân nằm lâu trong ruột càng trở nên to hơn và cứng hơn, gây cảm giác đau hơn cho lần đi cầu kế tiếp. Vòng lẩn quẩn này làm cho chuyện đi cầu trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với cả trẻ và cha mẹ.

Cần làm gì để trả lại cảm giác thoải mái cho trẻ khi đi cầu? Táo bón ở trẻ em thường có hai nhóm nguyên nhân:

1. do bất thường bẩm sinh ở ruột, hoặc ở hệ thần kinh điều khiển hoạt động ruột;

2. táo bón chức năng hoặc vô căn (không rõ nguyên nhân).

Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi muốn nhấn mạnh đến táo bón vô căn. Như vậy trước một trường hợp táo bón, cần đưa trẻ đến khám ở các phòng khám chuyên khoa để loại trừ những tổn thương ở ruột hoặc hệ thần kinh gây bón, vì táo bón do những nguyên nhân này cần có những điều trị chuyên biệt.

Táo bón vô căn thường khởi phát sau một biến cố gì đó trong cuộc sống của trẻ, ví dụ như khi chuyển đến nơi ở mới, đi du lịch dài ngày, lần đầu đến trường. Trong những trường hợp này trẻ có thể cảm thấy không thoải mái với nhà vệ sinh xa lạ, e ngại bạn bè, thế là trẻ nín đi cầu. Hoặc nó có thể khởi phát sau khi trẻ bị một bệnh nào đó, có thể do quá trình bệnh lý làm xáo trộn thói quen đi cầu của trẻ, hoặc do các thuốc đã sử dụng. Một lý do rất buồn cười ở trẻ con mà chúng ta cần quan tâm, đó là có những đứa bé “quá bận rộn” với chuyện chơi, chuyện học mà không thèm đi cầu, việc nín giữ phân lâu ngày gây táo bón. Ngoài ra một số trẻ biếng ăn, không chịu ăn rau, trái cây, không uống đủ nước, cũng gây táo bón. Tất cả yếu tố này cần được đánh giá, vì việc loại trừ nó giúp cắt đứt mắt xích trong vòng xoắn lẩn quẩn gây táo bón.

Điều chỉnh cho hành vi đi cầu của trẻ trở về bình thường cần mất nhiều thời gian, đôi khi vài tháng đến vài năm. Cha mẹ cần biết điều này để kiên trì hợp tác điều trị cho trẻ. Việc điều trị táo bón đôi khi gặp rất nhiều khó khăn, do trẻ dễ tái phát bón, cha mẹ hay chán nản. Để chữa một trường hợp táo bón thành công cần phối hợp đồng bộ nhiều yếu tố, trong đó vai trò của gia đình là rất quan trọng trong việc cho trẻ chế độ dinh dưỡng hợp lý, tư thế đi cầu đúng, tạo thói quen đi cầu mỗi ngày. Việc dùng thuốc làm mềm phân đóng vai trò tạm thời trong giai đoạn đầu điều trị mà thôi.

Về chế độ dinh dưỡng, trẻ nên được khuyến khích ăn nhiều rau xanh, trái cây, uống nhiều nước. Nếu trẻ biếng ăn nên tư vấn chuyên gia dinh dưỡng. Cần thử qua nhiều loại rau củ, trái cây xem trẻ thích loại nào. Một số cha mẹ cảm thấy khó khăn khi cho trẻ ăn và chỉ muốn được dùng thuốc. Tuy nhiên chúng ta cần phải ý thức rằng chế độ dinh dưỡng là điều trị căn bản cần phải làm suốt đời cho trẻ, đây là quá trình điều trị sinh lý nhất, vì ăn uống là bản năng sinh tồn của con người.

Đối với tư thế đi cầu, nên cho trẻ ngồi tạ mông lên bàn cầu hoặc bô, hai chân chạm đất, để làm giảm áp lực đặt trên tầng sinh môn khi trẻ rặn, tránh nứt hậu môn. Hàng ngày nên nhắc nhở và dành thời gian theo dõi việc đi cầu của trẻ. Cho trẻ đi cầu vào một giờ nhất định trong ngày để hình thành phản xạ đi cầu đều đặn. Những trẻ khởi phát bón sau khi đi học nên được tập cho thói quen đi cầu mỗi ngày tại nhà, vì có thể trẻ ngại sử dụng nhà vệ sinh trong trường và chủ động nín giữ phân. Để hổ trợ cho trẻ đi cầu không đau, trong giai đoạn đầu có thể dùng những thuốc làm mềm phân hoặc thuốc giảm đau tại chổ nếu trẻ có nứt hậu môn. Hiện trên thị trường có rất nhiều loại thuốc nhuận trường, cần tham vấn ý kiến nhân viên y tế để lựa chọn thuốc an toàn cho trẻ. Những thuốc này đôi khi cần sử dụng lâu dài và giảm liều từ từ để tránh bón tái phát.

 Tóm lại, để cho việc đi cầu không còn là cực hình đối với trẻ táo bón, cần:
–        Cho trẻ đi khám bệnh để loại trừ những tổn thương thực thể gây bón.
–        Có thái độ kiên trì để theo đuổi quá trình điều trị lâu dài.
–        Ý thức về vai trò quan trọng của gia đình trong việc điều chỉnh hành vi đi cầu của trẻ.
Trọng Nguyễn (BV Nhi Đồng 1)
 
Tin liên quan

Ngày đăng: 05/11/2012 - Bởi: Adminstrator

Đường dây nóng
Đang online: 91 Lượt truy cập: 26033026
Về đầu trang