Mùa nóng: Trẻ dễ nhiễm bệnh vì tắm
Tăng kích thước chữ : + -

 Thời tiết nắng gắt, oi bức là cơ hội cho nhiều bệnh bùng phát và tấn công trẻ nhỏ. Hiện nay, trung bình mỗi ngày có từ 11- 13.000 trẻ khám bệnh ở BV Nhi Đồng 1 và Nhi Đồng 2 TP. HCM, một trong những nguyên nhân khiến trẻ dễ mắc bệnh là tắm lâu, tắm nhiều lần.

 
Giải nhiệt “quá tay”
 
Nóng bức đến nỗi, cả người lớn lẫn trẻ em đều muốn nhảy ùm xuống nước nhưng ngâm mình trong nước không đúng cách sẽ dễ bị nhiễm lạnh, gây nhiều phiền lụy cho sức khỏe, nhất là với trẻ em. Thậm chí, nhiều phụ huynh còn lập “quy trình giải nhiệt” cho trẻ như: ngủ dậy – tắm; chơi đổ mồ hôi, nóng nực – tắm; trước giờ ngủ trưa – tắm; trước hoặc sau giờ ăn cơm chiều – tắm, trước lúc lên giường ngủ – tắm.
 
Ngoài việc tắm nhiều lần, mùa nóng trẻ thường được tắm lâu hơn và đây là nguy cơ cao khiến trẻ mắc bệnh đường hô hấp. Ngay cả những người mẹ kỹ tính cũng có thể mắc sai lầm này, vì xiêu lòng trước lời ỉ ôi “cho con tắm thêm xíu thôi”. Thêm một sai lầm khác là sau khi trẻ tắm xong, sợ con lại đổ mồ hôi, cha mẹ thường cho con ngồi trước quạt hoặc vào ngay phòng máy lạnh, điều này khiến sức đề kháng vốn mỏng manh của trẻ dễ bị tấn công bởi các chứng bệnh như ho, sổ mũi, viêm họng, viêm phổi, sốt…
 
Bên cạnh đó, cách giải nhiệt thường thấy hiện nay là cho trẻ đi bơi, có trẻ trước đây cả tháng mới được đi bơi một lần, giờ nóng nực cha con, mẹ con tắm hồ bơi mỗi ngày. Ngâm lâu dưới nước, cộng thêm hồ bơi đông người, chất lượng nước thiếu an toàn nên rất dễ rước bệnh.
 
Thế nhưng, những cách giải nhiệt trên cũng chưa nguy hiểm so với tai nạn từ việc đặt thau, xô nước trong phòng ngủ. Để con vừa được mát, vừa đỡ bị khô họng khi sử dụng quạt, máy lạnh, các bà mẹ thường đặt một chậu nước trong phòng ngủ và đã có những tai nạn thương tâm từ chậu nước giải nhiệt này.
 
Do phòng trọ chật và nóng nực, chị Lê Mỹ D., công nhân khu công nghiệp Vĩnh Lộc đặt xô nước dưới chân giường để quạt thổi cho mát. Nào ngờ, nửa đêm con gái 16 tháng tuổi tỉnh dậy bò ra khỏi mùng, rơi úp mặt vô chậu nước tử vong. Còn chị Nguyễn Thị T. ở huyện Tân Châu, Tây Ninh mất cậu con trai 5,5 tháng vì đặt thau nước ngay dưới chiếc võng bé nằm ngủ, giữa đêm bé lật rớt vô thau nước tắt thở.
tắm trẻ mùa hè
Nghệ thuật làm mát
 
Mùa nắng nóng, làm sao cho con vừa được mát mà vẫn an toàn, đảm bảo sức khỏe cho trẻ là vấn đề các bà mẹ đều quan tâm, nhưng không phải ai cũng biết cách. Theo BS Đặng Kim Huyên – Trưởng khoa Khám bệnh – BV Nhi Đồng 2 TP.HCM, làm mát, giải nhiệt cho trẻ vào mùa nóng cần phải có… nghệ thuật. Dù biết là máy lạnh, quạt hay việc tắm, đi bơi có thể gây ảnh hưởng sức khỏe cho trẻ, nhưng không vì thế mà bắt trẻ chịu nóng bức. Dưới đây là những nguyên tắc về giải nhiệt, phòng bệnh cho trẻ cha mẹ cần lưu ý:
 
– Hạn chế cho trẻ chơi ngoài trời nắng, vì dễ bị mất nước, say nắng.
 
– Khi đặt thau nước làm mát và ẩm không khí, phải chú ý tránh tầm tay, lối đi, chỗ nằm của trẻ và canh chừng trẻ cẩn thận, không dùng vật chứa nước sâu, có nguy cơ làm trẻ té ngã.
 
– Trẻ đang đổ mồ hôi, trẻ vừa đi ngoài nắng về, trẻ vừa ở phòng máy lạnh ra không cho tắm ngay mà phải lau khô mồ hôi, cho trẻ quen với nhiệt độ bình thường rồi mới đi tắm. Trẻ vừa ăn cơm xong cũng không được đi tắm vì sẽ ảnh hưởng đến tiêu hóa. Mùa nóng, nên tắm gội cho trẻ mỗi ngày. Tuy nhiên, không nên tắm quá nhiều lần và tắm lâu, trong trường hợp trẻ đổ nhiều mồ hôi nên lau, thấm nhẹ nhàng. Ngoài lần tắm gội chính, có thể tắm nhanh cho trẻ (khoát nước, dội nước sơ qua, không nhất thiết phải dùng sữa tắm) vào buổi sáng và tối, trước khi đi ngủ. Lưu ý, buổi tối trước lúc ngủ – không nên gội đầu, bởi có thể gây cảm lạnh.
 
– Khi đi bơi, trẻ thường có xu hướng dầm nước. Vì vậy, cha mẹ nên chọn hồ bơi có mái che, không để cảnh trên đầu trời nắng chang chang, ở dưới thì nước ngập cổ – sự chênh lệch nhiệt độ sẽ khiến trẻ dễ bị nhiễm lạnh, say nắng. Dù bơi lúc không nắng hay hồ có mái che cũng không nên cho trẻ tắm quá lâu.
Về vấn đề dùng quạt và máy lạnh cái nào tốt hơn với trẻ, BS Đặng Kim Huyên cho biết: “Không thể nói quạt tốt hơn máy lạnh hay ngược lại, mà vấn đề là sử dụng đúng cách. Ví dụ, không được để quạt thổi trực tiếp vào người hay trên đầu của trẻ sẽ dễ làm trẻ bị ho, sổ mũi. Hay ngoài trời đang nắng gắt gần 40 độ, mà mở máy lạnh 16,17 độ, hoặc cho trẻ nằm ngay luồng thổi máy lạnh thì sẽ làm niêm mạc họng bị khô nên khó tránh ngã bệnh. Trẻ cứ ra vô phòng máy lạnh, sự thay đổi nhiệt độ liên tục này khiến thân nhiệt trẻ không điều tiết kịp cũng dễ gây bệnh. Do đó, cần tránh cho trẻ nằm ngay luồng thổi của máy lạnh, quạt; điều chỉnh nhiệt độ máy lạnh máy lạnh vừa phải, khoảng 26-27 độ, chỉ chênh lệch với nhiệt độ bên ngoài 3-4 độ. Cần vệ sinh quạt, máy lạnh thường xuyên”.
 
Bên cạnh đó, trong mùa nóng, trẻ cần được bù đủ nước, ngoài nước lọc có thể cho trẻ uống thêm nước trái cây, nước dừa, nước mía… hạn chế ăn kem, uống đá lạnh. Đặc biệt, nên rửa tay cho trẻ thường xuyên – đây là biện pháp hiệu quả để phòng nhiều loại bệnh ở trẻ em.
 
Thùy Dương
Nguồn: Phụ Nữ Online 

Ngày đăng: 11/05/2016 - Bởi: Adminstrator

Đường dây nóng
Đang online: 35 Lượt truy cập: 26024902
Về đầu trang