Phân biệt cảm và cúm ở trẻ
Tăng kích thước chữ : + -

Trẻ em đôi khi ngẫu nhiên bị cảm và bị cúm. Nhất là khi bé tiếp xúc với những trẻ khác bị bệnh, bé có khả năng lây rất cao. 

Cảm là gì?

Có lẽ một trong những bệnh thông thường nhất ở trẻ đó là cảm, đây là một bệnh nhiễm trùng gây viêm mũi và viêm họng. Trẻ con không đơn giản bị cảm khi gặp lạnh. Dù không phải là một bệnh nặng nhưng không nên coi thường bệnh cảm, vì bệnh này có nguy cơ biến chứng thành nhiễm trùng đường hô hấp hay nhiễm trùng. 

Triệu chứng:

– Chảy nước mũi, nghẹt mũi, hắt hơi

– Nhiệt độ tăng

– Đau cổ họng

– Ho 

Bác sĩ có thể làm gì?

Nếu em bé của bạn bú một cách khó khăn vì bị nghẹt mũi, bác sĩ có thể kê toa thuốc nhỏ mũi để nhỏ ngay trước cữ bú. Chỉ nên dùng các loại thuốc nhỏ mũi và thuốc chống viêm khi được sự chỉ định của bác sĩ. Tuyệt đối không được dùng quá 3 ngày bởi nếu lạm dụng sẽ không tốt chút nào. 

Bệnh cúm là gì?

Hay còn gọi là Influenza, đây là một bệnh nhiễm trùng gây ra bởi hàng trăm loại siêu vi khác nhau. Nó có khuynh hướng xảy ra theo dịch hai hay ba năm một lần khi một loại siêu vi mới xuất hiện. Nếu bé mắc cúm, bé sẽ phát ra một vài triệu chứng ở một, hai ngày sau và sẽ khó chịu ở ba, bốn ngày kế tiếp. Bé sẽ mệt mỏi muốn nằm một chỗ. Một vài trẻ bị nhiễm trùng đường hô hấp như viêm phế quản hay viêm phổi sau khi bị cúm. 

Các triệu chứng:

– Sốt

– Nhức đầu

– Đau khắp cơ thể

– Ớn lạnh

– Chảy nước mũi

– Ho

– Đau cổ họng 

Phân biệt triệu chứng của cúm và cảm:

Để xác định được rõ ràng hơn liệu con đang bị cúm hay cảm, bạn hãy trả lời các câu hỏi sau đây:

– Thời gian biểu hiện bệnh của con có nhanh không?

– Con có sốt cao không?

– Con có biểu hiện kiệt sức không?

– Con có nhức đầu không?

– Con có chán ăn không?

– Con có đau nhức cơ bắp không?

– Con có bị rùng mình, ớn lạnh không?

– Con có bị đau bụng, tiêu chảy, nôn ói không? 

Bạn cũng nên cẩn thận, tránh để cho bản thân và những người khác trong nhà bị lây 

Nếu hầu hết những câu trả lời của bạn đều là "có", nghĩa con bạn đã bị cúm. Nếu những câu trả lời của bạn đa số là "không" thì nhiều khả năng bé yêu của bạn chỉ đang bị cảm. 

Tuy vậy, trên đây cũng chỉ là những chẩn đoán nhanh, bạn đừng vội khẳng định bệnh của con chỉ là cảm mà coi thường. Hãy nhớ rằng triệu chứng của bệnh cúm ở mỗi người có thể khác nhau, ở các giai đoạn bệnh cũng có triệu chứng khác nhau, và ngay cả những trẻ có sức khỏe tốt cũng có thể gặp những biến chứng khó lường với bệnh cúm. 

Vậy nên khi con bị ốm, bố mẹ cần đưa bé đi khám ở cơ sở y tế ngay khi thấy tình trạng của con có diễn biến xấu hơn, con khó thở, sốt cao, đau đầu dữ dội, đau họng hay bất cứ biểu hiện nghi ngờ nào khác… 

Cách chăm sóc con

Trong thời gian con bị cảm hoặc cúm, bạn hãy cố thuyết phục con nằm nghỉ trên giường, tránh vận động nhiều hay tiếp xúc với người khác để tránh lây nhiễm. Khi thuyết phục, bạn đừng quên tranh thủ sự giúp đỡ của những "phụ tá" như đồ chơi, sách truyện hay bộ phim yêu thích của con. 

Bạn vẫn nên cho bé uống nhiều nước (vì bệnh cúm thường kèm theo sốt, khiến cơ thể bị mất nước). Và cùng với đó, hãy cho con mặc quần áo thoáng, mỏng và hút mồ hôi, cho con mặc nhiều lớp để có thể mặc thêm hoặc cởi ra tùy theo tình hình. 

Nên thận trọng đối với những loại thuốc bạn cho con sử dụng, nhất là đối với trẻ dưới 2 tuổi. Tất cả những loại thuốc này nên được dùng dưới sự hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ. 

Khi con bị cúm, ngoài đối tượng cần chăm sóc đặc biệt này, bạn cũng nên cẩn thận, tránh để cho bản thân bạn và những người khác trong nhà bị lây. Đơn giản nhất là mọi người trong gia đình nên rửa tay bằng xà phòng thường xuyên, đặc biệt sau khi chăm sóc bé. 

Theo Afamily


Ngày đăng: 27/06/2012 - Bởi: Adminstrator

Đường dây nóng
Đang online: 181 Lượt truy cập: 26016128
Về đầu trang