Phòng bệnh tay – chân – miệng cho trẻ tại nhà
Tăng kích thước chữ : + -

Chỉ trong hai tháng đầu năm 2012, cả nước ghi nhận có hơn 12.000 ca mắc bệnh – tay – chân – miệng (TCM), trong đó hơn 10 ca tử vong. Theo thống kê năm 2011, hơn 90% số ca mắc và tử vong do bệnh TCM là ở nhóm trẻ dưới năm tuổi. Theo ThS-BS Lê Phan Kim Thoa – Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 1, để phòng bệnh hiệu quả, mỗi phụ huynh cần hiểu rõ các biện pháp để dự phòng tích cực cho trẻ ngay tại nhà.

Bệnh TCM do siêu vi trùng đường ruột gây ra, chủ yếu ở hai loại: Cocsackie và Enterovirus 71 (EV71). Nếu trẻ mắc Cocsackie, sẽ tự khỏi trong vòng bảy-10 ngày mà không cần điều trị và hầu như không có biến chứng. Nhưng nếu do EV71 ở thể nặng thì rất nguy hiểm, có thể gây biến chứng viêm màng não, viêm cơ tim, dẫn đến tử vong. 

 

Ảnh minh họa

Hiện nay, bệnh TCM do EV71 vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Chủ yếu là các phương pháp điều trị triệu chứng để hạ sốt, giảm đau do các vết loét gây nên và điều trị các biến chứng nếu có. Bệnh rất dễ lây do tiếp xúc trực tiếp hay gián tiếp qua thức ăn, thức uống, vật dụng, đồ chơi, qua bàn tay người lớn. Thời kỳ ủ bệnh từ ba – bảy ngày. Bệnh thường gặp ở trẻ dưới năm tuổi, nhưng cũng có thể gặp ở trẻ lớn. 

Làm sao để phát hiện bệnh? 

Triệu chứng đầu tiên thường là sốt nhẹ, mệt mỏi, biếng ăn do đau họng. Một ngày sau khi sốt, trẻ bắt đầu đau miệng, nếu khám có thể phát hiện các chấm đỏ nhỏ, sau đó biến thành bọng nước và thường dẫn đến loét. Các tổn thương có thể thấy ở lưỡi, nướu, bên trong má. Da cũng nổi bóng nước trong vòng một – hai ngày, kích thước từ 2-10mm, có hình bầu dục, nổi cộm hay ẩn dưới da, không ngứa, không đau… Các bóng nước xuất hiện ở lòng bàn tay, bàn chân và một số trường hợp xuất hiện ở mông. 

Phụ huynh cần theo dõi, khi trẻ có dấu hiệu: sốt cao trên 39oC, sốt hơn hai ngày, nôn ói nhiều, ngủ nhiều. Với dấu hiệu: giật mình chới với lúc bắt đầu ngủ, run người, run chi, đi loạng choạng, yếu tay chân là triệu chứng trẻ bệnh nặng. Còn khi trẻ thở mệt, da nổi bông, hôn mê là trẻ đã bệnh rất nặng. 

Phòng bệnh tại nhà 

Vệ sinh cá nhân cho trẻ: cần xây dựng cho trẻ thói quen rửa tay hằng ngày bằng xà phòng. Điều đáng chú ý là người lành mang mầm bệnh rất dễ lây sang cho trẻ. Vì vậy, người lớn phải thường xuyên rửa tay, đặc biệt khi về đến nhà và trước khi tiếp xúc với trẻ. Đối với người chăm sóc trẻ, không nên chăm sóc đồng thời trẻ bệnh và trẻ lành; phải rửa tay bằng nước và xà phòng ngay sau khi chăm sóc trẻ bị bệnh; nên rửa tay ngay sau khi ho, hắt hơi, lau chùi nhà, vào nhà vệ sinh, trước khi ăn… 

Vệ sinh đồ chơi, vật dụng và nhà cửa hằng ngày: dùng nước và xà phòng hoặc các chất lau nhà thông dụng. Đặc biệt lưu ý lau chùi, làm vệ sinh nơi trẻ thường sinh hoạt, vui chơi hằng ngày. 

Khử khuẩn đồ chơi, nhà cửa hằng tuần bằng bột Cloramin B do trạm y tế cung cấp hoặc nước javel bán trên thị trường có nồng độ clo gốc 3-5%. 

Trước khi lau sàn nhà, mặt bàn, kệ đồ chơi… bằng dung dịch khử khuẩn nên rửa sạch bụi bẩn bằng nước và xà phòng. Sử dụng hai cái xô trong khi lau, một xô chứa dung dịch khử khuẩn, một xô nước để xả khăn lau. Đầu tiên nhúng khăn lau vào xô chứa dung dịch khử khuẩn, lau ướt tất cả các nơi cần lau, và khi khăn lau hơi khô hoặc dính bẩn thì xả khăn vào xô nước cho sạch. Tiếp tục nhúng khăn vào xô chứa dung dịch khử khuẩn và lau như vậy đến khi lau xong. Cần thay dung dịch khử khuẩn và nước trong cả hai xô khi thấy bắt đầu đục hoặc ngả màu. 

Phải rửa sạch đồ chơi của trẻ bằng nước và xà phòng, ngâm đồ chơi trong dung dịch khử khuẩn đã pha 10-20 phút, sau đó rửa lại bằng nước sạch, phơi khô. Lưu ý: Pha riêng dung dịch khử khuẩn cho mỗi mục đích sử dụng, không tận dụng dung dịch đã ngâm đồ chơi để khử khuẩn sàn nhà vì sau khi ngâm đồ chơi 30 phút, nồng độ chất khử khuẩn trong dung dịch không còn đủ để khử khuẩn sàn nhà. 

HOA LÀI (ghi)

Nguồn: Phunuonline


Ngày đăng: 03/07/2012 - Bởi: Adminstrator

Đường dây nóng
Đang online: 73 Lượt truy cập: 26019707
Về đầu trang