Thò lò mũi xanh
Tăng kích thước chữ : + -

Có đến trên 90% số lần đi khám bệnh, trẻ sẽ được chẩn đoán là viêm mũi, viêm họng hoặc viêm hô hấp trên, tức là cả mũi lẫn họng! Vì mũi-hầu-họng là vùng cơ thể tiếp xúc với môi trường bên ngoài nhiều nhất, là con đường “độc đạo” để không khí bên ngoài ra vào. Tiếp xúc nhiều, đương nhiên nguy cơ bị bệnh ở vùng này sẽ cao hơn, nhất là khi không khí không đủ trong lành. Nguy cơ còn cao hơn ở trẻ em, do hệ miễn dịch còn non yếu và số lần thở nhiều hơn so với người lớn.  

Thật ra, viêm mũi họng nếu xảy ra vài lần mỗi năm và điều trị khỏi sau một tuần, mươi ngày thì chẳng có gì đáng lo, ngược lại còn có thể xem như một cách… chủng ngừa tự nhiên để giúp trẻ gia tăng miễn dịch. Thế nhưng, nếu việc điều trị không đến đầu đến đũa, để viêm cấp tính chuyển thành viêm mạn tính, vi trùng từ chỗ là kẻ lạ xâm nhập cơ thể bất hợp pháp trở thành thành viên tạm trú dài hạn trong hầu họng, thì chuyện trở nên nghiêm trọng và lâu dài hơn nhiều người lầm tưởng. 

Viêm hô hấp mạn tính thường gặp nhất, đặc biệt ở trẻ dưới hai tuổi là viêm VA, một cơ quan tương tự amiđan nhưng nằm ở hốc mũi. Ngoài ra, viêm hô hấp mạn tính có thể gặp ở amiđan, viêm họng hạt, viêm họng mạn, viêm xoang…

 Ảnh chỉ mang tính minh họa – Internet

Dấu hiệu thường gặp nhất của viêm hô hấp nói chung là sổ mũi, do tăng tiết dịch ở vùng mũi họng khi bị viêm. Viêm càng nặng, dịch tiết càng nhiều và đặc, chuyển màu thành xanh, vàng hoặc đôi khi có máu nếu viêm do vi trùng. Nếu đã thành viêm mạn tính, khu vực bị viêm bao giờ cũng có nhiều dịch tiết đặc và đục, vì vậy, trẻ viêm VA mạn hay có biểu hiện “thò lò mũi xanh” như ông bà xưa thường nói. Dịch tiết nhiều cộng với sự phù nề làm kích thích hầu họng, gây ho dai dẳng, nghẹt mũi, ngủ ngáy, dễ bị nôn ói, nhất là khi nằm xuống do dịch mũi gây kích thích thành sau họng… Nguy cơ chưa dừng lại ở đó, mà hậu quả có thể kéo dài và nghiêm trọng hơn rất nhiều, như làm thiếu oxy mạn gây chậm phát triển trí não, thiếu máu do nhiễm trùng mạn, chậm phát triển thể chất (thiếu cân hay lùn), biến dạng ở vùng xương sọ, mũi, hầu, khung hàm… và những hậu quả này thường khó phục hồi, nếu không muốn nói là hầu như không thể. 

Cần chú ý điều trị viêm hô hấp mạn tính càng sớm càng tốt. Do vi trùng đã thành… người nhà, nên việc điều trị thường khó khăn hơn, kéo dài hơn, thầy thuốc thường phải cho làm thêm vài xét nghiệm đàm, dịch mũi… để biết vũ khí nào còn tiêu diệt được vi trùng thì mới dùng vũ khí đó. 

Song song với việc điều trị bằng thuốc theo toa bác sĩ, điều trị hỗ trợ quan trọng nhất tại nhà là phải thường xuyên rửa sạch vùng mũi họng cho trẻ bằng nước muối sinh lý (Natriclorua 0,9%). Chú ý là rửa sạch chứ không phải chỉ nhỏ vài giọt làm ẩm niêm mạc mũi, tức là lượng nước muối sử dụng mỗi lần thường phải nhiều, bơm 3-5ml mỗi bên mũi mới đủ làm loãng dịch tiết và rửa sạch hốc mũi, nhất là trong những ngày đầu tiên. Tùy mức độ viêm, dịch tiết nhiều hay ít, lỏng hay đặc… mà rửa từ bốn-tám lần mỗi ngày, nên làm trước bữa ăn và trước khi đi ngủ. Sau vài ngày đến một tuần, khi tình trạng viêm đã giảm, chỉ cần nhỏ hai-ba lần mỗi ngày với số lượng ít dần. 

Một trong những nguyên nhân quan trọng làm cho bệnh viêm hô hấp chuyển thành mạn tính là điều trị các đợt viêm hô hấp cấp không triệt để, cho trẻ uống kháng sinh không đủ liều, loại kháng sinh không phù hợp làm vi khuẩn chẳng những không bị tiêu diệt mà ngày càng lờn thuốc và bất trị hơn. Vì vậy, những trẻ chưa bị viêm hô hấp mạn cần được điều trị đúng mỗi khi bệnh, được chăm sóc dinh dưỡng tốt để giúp tăng sức đề kháng chống bệnh, và được làm vệ sinh mũi họng thường xuyên để tránh ứ đọng đàm mũi, dịch tiết trong vùng hầu họng, làm môi trường cho vi khuẩn trú ngụ và phát triển. 

ThS-BS ĐÀO THỊ YẾN PHI 

(Trưởng Bộ môn Dinh dưỡng ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch)

Nguồn: Phunuonline


Ngày đăng: 03/07/2012 - Bởi: Adminstrator

Đường dây nóng
Đang online: 85 Lượt truy cập: 26019732
Về đầu trang