Bệnh tự kỷ ở trẻ tăng nhanh- Điều trị mỗi nơi mỗi kiểu
Tăng kích thước chữ : + -

 Bệnh tự kỷ ở trẻ tăng nhanh- Bài 2 Điều trị: mỗi nơi mỗi kiểu

 
SGTT.VN – Một vài trung tâm tư nhân dùng phương pháp “cưỡng bức”: trói học sinh vào ghế, dùng roi doạ… để bắt học sinh tự kỷ nói. Không ít sinh viên vừa ra trường đã tự xưng “chuyên gia can thiệp trẻ tự kỷ”, “chuyên gia trị liệu ngôn ngữ”… không chỉ lừa phụ huynh, mà còn làm mất đi cơ hội “vàng” trong can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ.
 
Do chưa có mô hình trường chuyên biệt cho trẻ tự kỷ, nên mỗi cơ sở hoạt động theo hiểu biết của người quản lý. Đây là những cảnh báo được các chuyên gia đưa ra tại hội thảo “Chăm sóc giáo dục trẻ tự kỷ ở Việt Nam, thực trạng và triển vọng” do viện Khoa học giáo dục Việt Nam, Đại sứ quán Hoa Kỳ, quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc và tổ chức Tự kỷ lên tiếng tổ chức tại Hà Nội ngày 12.3.
 
 
Số lượng ngày một tăng
 
Cháu Trần Ngọc T. (sáu tuổi, ở Hà Nội) cách đây hơn ba năm được gia đình phát hiện bị tự kỷ, với các dấu hiệu: thường thu mình trong phòng chơi với chiếc ôtô, không trả lời khi người khác gọi tên, không giao tiếp hay ôm ấp kể cả bố hay mẹ. Cháu gần như không nói được, ánh mắt luôn nhìn vào không gian vô định, ban đêm rất khó ngủ, càng lớn càng nghịch, có thể phá bất cứ thứ gì cháu lấy được kể cả dao hay vật nhọn. Theo mẹ của cháu T., chị có thai khi đang muốn phấn đấu cho sự nghiệp, lại thêm xung đột giữa vợ – chồng, mẹ chồng – nàng dâu khiến chị luôn bị ức chế tâm lý và căng thẳng thần kinh. Đã hơn ba năm nay chị gần như buông xuôi công việc, tìm đọc tất cả các tài liệu, gõ cửa khắp nơi để tìm cách chữa cho con, nhưng bất lực khi gần như không có tiến triển.
 
PGS.TS Nguyễn Thị Hoàng Yến, phó viện trưởng viện Khoa học giáo dục Việt Nam cho biết, trường hợp cháu T. là phổ biến. Tại Việt Nam hiện chưa có thống kê chính thức về căn bệnh này, tuy nhiên, theo nghiên cứu Mô hình tàn tật ở trẻ em của khoa Phục hồi chức năng (viện Nhi Trung ương) giai đoạn 2000 – 2007, số trẻ tự kỷ đến khám năm 2007 tăng 50 lần so với năm 2000, xu thế mắc tự kỷ tăng nhanh từ 122 – 268% trong giai đoạn 2004 – 2007 so với năm 2000. Chỉ tính riêng một huyện của Hà Nội, trong tổng số 733 trẻ khuyết tật được phát hiện trẻ tự kỷ chiếm 10%. Theo một nghiên cứu khác từ năm 2009 – 2010 có tên “Hỗ trợ cho gia đình có trẻ khuyết tật ở châu Á” thực hiện với 254 cha mẹ của trẻ tự kỷ, tại Hà Nội tỷ lệ tự kỷ ở bé nam là 81,6%, tại TP.HCM tỷ lệ này là 79%. Có tới 51,6% cha mẹ nói rằng họ thực sự bị sốc, 73% lo lắng cho tương lai của con. Phần đông các cháu đều được phát hiện và chẩn đoán sau khi đã quá hai tuổi (76,5%).
 
PGS.TS Lê Văn Tạc, giám đốc trung tâm Nghiên cứu giáo dục đặc biệt nêu thêm vấn đề: hiện thời gian đánh giá, công cụ đánh giá trẻ tự kỷ được các cơ sở lựa chọn rất khác nhau (12 công cụ chủ yếu nhập từ Mỹ, Úc, Nhật… chưa được Việt hoá) nên kết quả khác nhau giữa các nơi càng khiến phụ huynh hoang mang.
 
Chưa thống nhất chương trình can thiệp
Việt Nam chưa có thống kê về số người bị tự kỷ, nhưng nếu ước lượng theo tỷ lệ của nước Anh thì với 83 triệu dân, Việt Nam có khoảng 160.000 người bị tự kỷ – BS.CK2 Đỗ Thuý Lan, trung tâm Sao Mai cho biết. Theo bác sĩ Lan, do chưa có mô hình dịch vụ phát hiện sớm của Nhà nước, không hề có một mô hình trường chuyên biệt nên mọi dịch vụ đều tự phát. Một số phòng khám khi làm chẩn đoán, do thiếu kinh nghiệm lâm sàng nên nhầm lẫn khuyết tật trí tuệ với tự kỷ gây tâm lý hoang mang cho phụ huynh. “Thậm chí ngay tại Hà Nội cũng không nhiều bác sĩ có hiểu biết và chẩn đoán chính xác về hội chứng tự kỷ”, bác sĩ Lan khẳng định. Đặc biệt, trẻ tự kỷ phải đối diện với thực tế nhiều bố mẹ không chấp nhận kết quả con tự kỷ nên tự đi tìm thuốc chữa. Còn một số trẻ do bố mẹ bận công việc nên ở nhà với ông bà, người giúp việc xem tivi, băng đĩa, chơi iPad nên ít cơ hội tương tác và học hỏi kỹ năng dẫn đến chậm phát triển trí tuệ nặng.
 
Hiện các trường chuyên biệt của Nhà nước mới chủ yếu tập trung giáo dục trẻ khiếm thính, trẻ khiếm thị, tật vận động, tật ngôn ngữ. Từ năm 1995 trở lại đây đã có hàng trăm cơ sở can thiệp tự kỷ, các trường mẫu giáo, tiểu học tư nhân nhận trẻ tự kỷ nhưng không có sự hỗ trợ, chỉ là hình thức hoà nhập. Mô hình chủ yếu là giáo dục chuyên biệt ban ngày tại trung tâm. Một vài trung tâm can thiệp theo giờ và trẻ vẫn đi học mẫu giáo hoà nhập. Giáo viên chủ yếu có bằng giáo dục đặc biệt, giáo viên tiểu học hoặc giáo dục mầm non. Chương trình tuỳ thuộc vào từng trung tâm, không có sự trao đổi thống nhất giữa các trung tâm mà mạnh ai nấy làm, thậm chí còn cạnh tranh thiếu lành mạnh.
 
Các tỉnh Quảng Trị, Phú Yên, Cao Bằng, Khánh Hoà, Dăk Lăk… có số lượng trung tâm hạn chế so với nhu cầu nên nhiều gia đình vẫn phải cho con đi học ở các thành phố như TP.HCM, Hà Nội, gây xáo trộn gia đình về tinh thần và vật chất. Chưa kể, tự kỷ vẫn chưa được xếp thành một chuyên ngành đào tạo nên chất lượng đào tạo giáo viên chưa đáp ứng được nhu cầu. Các chuyên gia kiến nghị cần sớm xây dựng chính sách cụ thể về việc mở trường, mô hình hoạt động các trung tâm trong và ngoài nhà nước. Cần có mô hình lớp hội nhập “can thiệp sớm” tuổi nhà trẻ mẫu giáo giúp trẻ tự kỷ chuẩn bị trước khi học hoà nhập. Đặc biệt, do trẻ tự kỷ học toán và ngoại ngữ dễ dàng hơn học văn và các môn xã hội nên cần nghiên cứu chương trình phù hợp với trẻ.
 
Năm dấu hiệu phát hiện sớm tự kỷ (Mỹ)

Không bi bô, không biết dùng cử chỉ, ra dấu vào khoảng 12 tháng tuổi; không biết nói từ đơn khi 16 tháng; không biết đáp lại khi được gọi tên; không tự nói được câu có hai từ khi 24 tháng; mất kỹ năng ngôn ngữ hoặc xã hội ở bất kỳ độ tuổi nào.
Gia đình là nơi can thiệp tốt nhất

 

 


Trẻ tự kỷ có kết quả tốt nếu được can thiệp bởi các chuyên gia với tần suất và sự tập trung cao. Nhưng cha mẹ có thể học được cách can thiệp và đạt kết quả tốt hơn bởi họ có thể can thiệp với cường độ thường xuyên hơn. Đặc biệt, cha mẹ và các thành viên trong gia đình là những người nhận thấy khi nào cần biện pháp can thiệp mới. Trường học ở nhà cũng là nơi tốt để thực hiện can thiệp.
 
(TS Connie Kasari, đại học California, Los Angeles, Mỹ)
 
 
 
BÀI VÀ ẢNH: THANH TUYỀN

Ngày đăng: 19/03/2013 - Bởi: Adminstrator

Đường dây nóng
Đang online: 3 Lượt truy cập: 26032586
Về đầu trang