Tăng kích thước chữ : + -
Mùa xuân gieo hạt, mùa thu hái quả. Giống quy luật tự nhiên, trẻ em cũng sinh ra và phát triển theo quy luật nhất định. Nếu nắm bắt được những thời điểm này, ba mẹ sẽ có cách dạy con ngoan hợp lý, đồng thời cũng giúp con trẻ khai phá được những tiềm năng của mình. Dưới đây là 6 thời kỳ quan trọng trong quá trình phát triển của trẻ, ba mẹ nên đặc biệt lưu ý.
Cách dạy con ngoan
Thấu hiểu sự phát triển của trẻ, biết được những cột mốc quan trọng sẽ giúp mẹ dạy con tốt hơn
1. Giai đoạn trẻ lên 3 – Phản kháng, bướng bỉnh
Bạn đừng quá ngạc nhiên nếu "cô tiểu thư" hiền lành bỗng chốc hóa ương ngạnh khi vừa mấp mé tuổi lên 3. Theo các chuyên gia tâm lý trẻ em, 3 tuổi là thời kỳ phản kháng thứ nhất của trẻ và cũng là thời kỳ quan trọng đầu tiên trong cuộc hành trình nuôi dạy con ngoan của ba mẹ.
Trẻ 3 tuổi thường xuyên có những biểu hiện làm người lớn đau đầu. Tuy nhiên, đây lại là giai đoạn quan trọng trong quá trình phát triển nhân cách của trẻ, vừa có thể phản ánh tính cách ấu thơ, vừa thể hiện xu hướng phát triển trong tương lai.
Hầu hết các bé trong giai đoạn này đều luôn coi mình là trung tâm. Đây là giai đoạn cần thiết trong quá trình phát triển nhận thức về cái tôi trong thời kỳ đầu. Tuy nhiên, tâm lý này nếu không được hướng dẫn, rèn dũa đúng mực sẽ gây ảnh hưởng đến nhận thức của trẻ về bản thân và người xung quanh.
Cách giải quyết: Ba mẹ có thể áp dụng 3 cách dưới đây để giúp bé thoát khỏi trạng thái coi mình là trung tâm. Lưu ý: việc coi mình là trung tâm ở giai đoạn 2-3 tuổi hoàn toàn không giống tính ích kỷ. Mẹ không nên nhầm lẫn.
Không dồn hết sự quan tâm và nuông chiều cho bé. Coi bé cũng như bất kỳ một thành viên nào khác trong gia đình.
Sử dụng những câu hỏi – đáp có tính gợi mở để hướng dẫn trẻ tìm tòi suy nghĩ, từ đó giúp bé thay đổi suy nghĩ sai lầm của mình.
Cho bé tham gia nhiều hoạt động tập thể để bé có cơ hội tiếp xúc với nhiều người, từ đó biết được ý nghĩa của việc hợp tác.
2. Giai đoạn trẻ 5 tuổi – Thời kỳ phiền toái
Ham học hỏi, thích khám phá, tìm tòi là những đặc trưng nổi bật của trẻ 5 tuổi. Ở thời điểm này, hầu hết các bé đã có tư duy chín chắn, tâm lý cũng phát triển phức tạp hơn. Muốn biết được điều bé đang thực sự quan tâm, ba mẹ cần dành nhiều thời gian quan sát bé. Hơn nữa, tâm lý cũng phải thật nhanh nhạy.
Mẹ có thể thường xuyên nhận được những câu hỏi Vì sao trong giai đoạn này, nhất là vấn đề vì sao con có mặt trên đời, vì sao con được sinh ra, con được sinh ra như thế nào… Lưu ý, dù là những câu hỏi ngây ngô nhất của trẻ, ba mẹ cũng không nên cười cợt. Thay vào đó, ba mẹ có thể giúp bé giải thích vấn đề 1 cách cơ bản, dễ hiểu nhất, kể cả vấn đề giới tính. Đừng lẫn tránh câu hỏi, hoặc tìm cách nói dối trẻ. Đặc biệt, tuyệt đối không nói những câu như "Ba mẹ nhặt con ở thùng rác", vì sẽ làm bé thêm hoang mang, hoảng sợ.
3. Giai đoạn trẻ 6 tuổi
Theo các chuyên gia, trọng lượng não của trẻ 6 tuổi có thể đạt bằng 80% trọng lượng não của người lớn. Trẻ 6 tuổi đã có khả năng cảm nhận, ghi nhớ phát triển rất nhanh. Đây cũng là thời điểm quan trọng để giúp bé phát triển từ tư duy cụ thể sang trừu tượng logic.
Trẻ 6 tuổi đã học tiểu học, giai đoạn đầu của đời học sinh và có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, sẽ có rất nhiều vấn đề xảy ra làm trẻ không thể thích nghi với trường học, hoặc thậm chí không muốn đi học. Vai trò của ba mẹ trong giai đoạn này: Giúp trẻ nhanh chóng thích ứng với trường học.
4. Giai đoạn trẻ 10 tuổi
Trong quá trình phát triển của mình, trẻ sẽ trải qua 2 thời kỳ độc lập: trẻ 2 tuổi và trẻ 10 tuổi. Trẻ 10 tuổi có tư duy độc lập, nhất là trong học tập. Ba mẹ có thể tận dụng "thời cơ" này để bồi dưỡng trẻ. Tuy nhiên, cũng đừng vì vậy mà tạo cho trẻ quá nhiều áp lực trong giai đoạn này, mẹ nhé!
Lưu ý: Khả năng ngôn ngữ của trẻ 10 tuổi chưa hoàn thiện. Vì vậy, nếu xuất hiện vấn đề tâm ký, bé khó có thể biểu hiện bằng lời. Thay vào đó, bé có thể biểu hiện bằng hành động. Không muốn đi học cũng là một trong số đó. Trong trường hợp này, ba mẹ không nên la mắng hay tạo thêm áp lực cho trẻ. Ba mẹ nên tìm hiểu nguyên nhân phía sau hành động của trẻ, sau đó đưa ra hướng giải quyết phù hợp.
5. Giai đoạn trẻ 14 tuổi
Đây là giai đoạn chuyển đổi từ thiếu niên sang thanh niên, giai đoạn con bạn đang căng tràn sức sống, nhưng cũng vì vậy mà phát sinh rất nhiều vấn đề. Do tâm sinh lý không ngừng phát triển, trẻ trong giai đoạn này có thể gặp phải những nỗi buồn "ẩm ương". Nếu không xử lý tốt có thể dẫn đến một số vấn đề tâm lý, thậm chí có thể làm con gặp trở ngại tâm lý. Vì vậy, vai trò của ba mẹ trong giai đoạn này rất quan trọng. Bạn cần quan tâm nhiều hơn đến con, thấu hiểu và tôn trọng trẻ. Trước khi làm mẹ, làm ba, bạn cần là một người bạn với trẻ.
6. Giai đoạn 17 tuổi
Được nhiều người ca tụng như tuổi đẹp nhất trong cuộc đời, nhưng ở tuổi 17, con cũng sẽ có những nỗi buồn và sự bất mãn của riêng mình. Việc duy nhất ba mẹ có thể giúp con yêu là ở bên cạnh, cùng đồng hành với con, giúp con bước qua thời kỳ biến động để làm chủ thế giới tâm hồn mình.
Nếu lưu ý 6 thời điểm quan trọng trên đây, hành trình nuôi dạy con ngoan của bạn sẽ trở nên dễ dàng hơn hẳn. Ghi vào sổ tay ngay để không bỏ lỡ 6 cột mốc quan trọng này, ba mẹ nhé!
Theo Marrybaby.vn
Ngày đăng: 24/01/2023 - Bởi: Adminstrator