Chọn món ăn thích hợp cho bữa ăn sáng của trẻ
Tăng kích thước chữ : + -

 Chọn món ăn thích hợp cho bữa ăn sáng của trẻ

Bữa ăn sáng đối với trẻ thật sự mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe và hoạt động thường ngày của trẻ, năng lượng từ bữa ăn sáng sẽ giúp trẻ tỉnh táo, vui vẻ để sẵn sàng đón chào những thử thách trong việc học tập, chơi đùa, khám phá thế giới xung quanh để giúp trẻ khôn lớn. Tuy nhiên một điều rất quan trọng mà các bậc phụ huynh nên chú ý là cần chọn lựa những món ăn thích hợp để giúp trẻ vừa ngon miệng, vừa đảm bảo sức khỏe cũng như sự tăng trưởng sau này của trẻ.  
Bé ăn sáng

Các bé ăn sáng ở trường mầm non Hạnh Phúc
A.   Ý nghĩa khoa học của bữa ăn sáng đối với trẻ

– Theo nhận định của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe và sự tăng trưởng của trẻ, nhất là bữa ăn sáng. Bữa ăn sáng lành mạnh là một bữa ăn giàu chất cacbon hydrate phức hợp có trong các loại ngũ cốc như gạo, bún, phở, mì, ngô, khoai, củ…, và cần cung cấp đủ thành phần protein, vitamin và khoáng chất, điều này có nghĩa là vẫn phải đảm bảo đủ 4 nhóm thực phẩm cho bữa ăn này gồm chất bột đường, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất.

– Một bữa ăn sáng đầy đủ dinh dưỡng sẽ giúp trẻ:

     Đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày cần thiết cho mọi hoạt động của trẻ.

     Duy trì sự tăng cân đều đặn và phát triển chiều cao lý tưởng.

     Giúp trẻ có một hệ miễn dịch hoàn hảo hơn và trẻ sẽ ít bị mắc bệnh.


B.   Những món ăn phù hợp và tốt cho bữa ăn sáng của trẻ

Những món ăn sáng phù hợp thực sự luôn mang lại những lợi ích tốt nhất cho sức khỏe của trẻ, ngoài giá trị dinh dưỡng những món ăn này còn giúp trẻ dễ hấp thu, đây chính là yếu tố quan trọng giúp trẻ tăng trưởng và phát triển tối ưu theo dòng thời gian. Sau đây là một số món ăn phù hợp cha mẹ nên chuẩn bị cho bữa ăn sáng của trẻ:

1. Sữa tươi hoặc sữa công thức: cần luôn được duy trì vì sữa là nguồn dinh dưỡng không thể thiếu cho mỗi bữa sáng. Tuy nhiên, cha mẹ cần lưu ý nếu trẻ chỉ uống một ly sữa buổi sáng sẽ vẫn không đủ năng lượng cho cả ngày học tập ở trường của trẻ, cần cho trẻ ăn thêm các món ăn khác kèm theo để đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng của trẻ. Đặc biệt, nếu trẻ chưa đủ 1 tuổi, sữa vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp các chất dinh dưỡng và vitamin thiết yếu cho trẻ. Trẻ ở giai đoạn ăn dặm, ngoài bữa ăn dặm buổi sáng, người mẹ vẫn cần cho trẻ bú thêm sữa mẹ hoặc sữa công thức ngay sau đó để đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng theo lứa tuổi của trẻ.

2. Yến mạch: yến mạch không chỉ giúp trẻ thông mình mà còn rất tốt trong việc giảm cholestorel trong máu, tăng cường hệ miễn dịch và ngăn ngừa chứng ung thư. Chỉ mất khoảng 15 phút để nấu yến mạch cán mỏng mỗi sáng là mẹ đã có một bát cháo yến mạch hoặc yến mạch trộn sữa công thức (sữa tươi) ngon lành cho bữa ăn sáng của trẻ. Người mẹ khi chế biến yến mạch cho trẻ cần chú ý không nên sử dụng loại yến mạch ăn liền cho trẻ dưới 1 năm tuổi vì loại này có chứa rất nhiều đường.

3. Trứng: trứng có chứa nguồn protein và vitamin D dồi dào, là thực phẩm lý tưởng cho ngày mới tràn đầy năng lượng. Trẻ sơ sinh thường dễ bị dị ứng với lòng trắng trứng, nhưng lòng đỏ lại rất an toàn và là món ăn rất tốt cho bữa sáng. Luộc kỹ trứng, tách riêng lấy phần lòng đỏ, nghiền nát cho trẻ ăn hoặc trộn cùng với cháo. Người mẹ nên lưu ý, chỉ nấu hoặc kết hợp trứng cho trẻ ăn cùng với những món ăn quen thuộc, không nên dùng cùng món mới, như vậy khi có phản ứng không tốt xảy ra, người mẹ có thế dễ dàng xác định được nguyên nhân xảy ra phản ứng dị ứng từ đâu.

4. Sữa chua: một ly sữa chua trộn trái cây mà trẻ yêu thích vào buổi sáng sẽ là gợi ý tuyệt vời cho trẻ một nguồn dinh dưỡng và năng lượng dồi dào. Tuy nhiên, do các vi khuẩn có lợi trong sữa chua hoạt động rất mạnh nên cũng rất dễ làm hỏng men răng, nhất là răng trẻ nhỏ, người mẹ lưu ý khi cho trẻ ăn sữa chua xong nên cho trẻ uống thêm vài muỗng nước lọc tráng miệng. Trong thành phần sữa chua, các chất đạm, chất béo có sẵn trong sữa đã được tiêu hóa một phần, rút ngắn thời gian hấp thu trong hệ thống tiêu hóa. Đường lactose đã được lên men nên dễ hấp thu, làm giảm lượng đường tồn đọng lại ở hệ tiêu hóa tránh được tiêu chảy, giúp cho cơ thể hấp thu canxi và một số khoáng chất khác dễ dàng hơn.

C.   Những loại thức ăn không nên cho trẻ ăn vào bữa ăn sáng

1. Ăn thức ăn thừa từ hôm qua: tận dụng thức ăn thừa từ tối hôm trước để nấu mì, phở hay cháo, chiên cơm cho trẻ ăn sáng để tiết kiệm thời gian và thực phẩm là thói quen của nhiều người mẹ, đây chính là một sai lầm lớn. Sau khi thức ăn thừa để qua đêm, rau sẽ có thể sản sinh ra nitric (một chất gây ung thư), ăn vào sẽ có hại cho sức khỏe con người. Thịt để qua đêm cũng sẽ không tốt cho sức khỏe của trẻ. Người mẹ nên chịu khó thức dậy sớm và chuẩn bị những thức ăn mới, lành mạnh có lợi cho sức khỏe cho con trẻ.

2. Xúc xích, thịt xông khói, thịt hộp: thịt đóng gói, đóng hộp, thịt đã qua xử lý chứa hàm lượng nitrat cực kỳ lớn. Bắt đầu một ngày mới bằng các loại thịt này sẽ làm gia tăng nguy cơ bị ung thư ở trẻ. Người mẹ hãy thay thế lượng protein cần nạp cho trẻ buổi sáng bằng những thực phẩm lành mạnh hơn như trứng, sữa và phô mai.

3. Thực phẩm chiên rán: theo các chuyên gia dinh dưỡng, thực phẩm chiên rán có hàm lượng mỡ cao. Sau khi chiên, các chất dinh dưỡng trong thực phẩm bị phá hủy khá nhiều, hơn nữa còn sản sinh ra một số chất có hại cho sức khỏe. Thêm vào đó, thực phẩm qua nhiệt độ cao, ngấm nhiều dầu rất khó tiêu hóa. Nếu uống kèm thêm với sữa có nhiều chất béo sẽ tạo thành bữa ăn sáng có hàm lượng chất béo cao quá mức dung nạp. Ăn sáng bằng những thực phẩm này quá nhiều thực sự không tốt cho trẻ.

4. Nước uống có ga và nước trái cây đóng hộp: chiều theo sở thích uống nước ngọt có ga hay nước trái cây đóng hộp chứa nhiều đường vào buổi sáng của trẻ sẽ khiến trẻ mất đi một lượng lớn calorie. Nước có ga còn làm trẻ bị đầy hơi, trẻ dễ bị “no ngang” uống vào sáng sớm ảnh hưởng đến cơ quan tiêu hóa, viêm loét dạ dày. Thay vì thế, hãy tập cho bé thói quen khởi đầu ngày mới bằng một ly sữa nóng.

5. Mì ăn liền: lối sống hiện đại bận rộn khiến nhiều bậc phụ huynh lựa chọn mì ăn liền làm bữa ăn sáng cho con. Tuy món ăn này chế biến nhanh chóng và dễ dàng nhưng nó được chiên đi chiên lại nhiều lần, hàm lượng chất béo khá cao và khi đi vào cơ thể có nguy cơ tồn đọng lại rất lâu. Ăn nhiều mì ăn liền là một trong những nguyên nhân khiến trẻ bị táo bón do mì ăn liền không cung cấp vitamin và chất xơ cần thiết cho hệ tiêu hóa. Những gói gia vị trong mì ăn liền cũng chứa nhiều bột ngọt, có hại cho sức khỏe.

6. Ăn sáng “kiểu Tây”: thức ăn nhanh kiểu Tây hiện nay được nhiều trẻ ưa chuộng và ngày càng phổ biến ở nước ta. Ưu điểm của loại thức ăn này là nhanh, ngon, nóng nhưng hàm lượng calorie lại rất thấp và hoàn toàn bị mất cân đối về các chất dinh dưỡng cần thiết, vì khẩu phần của chúng thường thường thiếu các vitamin, khoáng chất, chất xơ và chất dinh dưỡng khác.

Ths.Bs Đinh Thạc Bệnh viện nhi đồng 1


Ngày đăng: 17/11/2015 - Bởi: Adminstrator

Đường dây nóng
Đang online: 145 Lượt truy cập: 26012434
Về đầu trang