Dạy con biết nói
Tăng kích thước chữ : + -

Bé nhà bạn vừa thức dậy đã “hót líu lo” và chỉ chịu ngừng lại khi đi ngủ? Hay bé thuộc tuýp trầm lặng? Dù tính cách của con có theo hướng nào thì bạn đều có thể giúp bé trau dồi kỹ năng nói của mình. Cũng giống như các kỹ năng đọc và làm toán, kỹ năng nói sẽ dần hoàn thiện với sự luyện tập thường xuyên.

Bạn có thể làm gì để giúp con đây? Đầu tiên, hãy là một người lắng nghe tích cực. Điều này có nghĩa là bạn không chỉ nghe những gì con nói mà còn đặt câu hỏi, góp ý, và thật sự tham gia vào cuộc trò chuyện giúp bé có nhiều cơ hội để nói lên suy nghĩ của mình.

Dưới đây là một số trò chơi và hoạt động bạn có thể sử dụng để giúp xây dựng kỹ năng nói cho con. Bởi vì trẻ em học theo những cách khác nhau nên các trò chơi cũng được sắp xếp theo những nhóm nhau. Nhưng bạn đừng vì vậy mà giới hạn con vào trò chơi của một nhóm nào, tất cả trẻ em đều tìm thấy lợi ích từ các hoạt động dưới đây:

 

Bố mẹ hãy học nghe để giúp con yêu học nói nhé! (Ảnh: Inmagine)

 Dành cho bé học bằng… tai

Hãy trò chuyện với con bất cứ khi nào có thể: về cuốn sách bạn đang đọc hoặc được ai đó kể cho nghe, hay về cuộc nói chuyện giữa bạn với một người bạn. Bạn cũng có thể kể cho con nghe những câu chuyện về thời thơ ấu của bạn – những gì bạn thường làm với bố mẹ mình hay bạn đã từng gặp rắc rồi như thế nào.

Đồng thời, hãy tập thói quen thuật lại các công việc thường ngày. Có vẻ như con chẳng hề chú ý gì những lúc bạn “lải nhải” như vậy, phải không nào, nhưng thực ra bé đang lắng nghe đấy. Vậy nên bạn đừng ngạc nhiên khi nghe thấy bé lặp lại những gì bạn nói khi bé trò chuyện với ai đó.

Đặt những câu hỏi mở. Nếu hỏi con một câu hỏi cụ thể, ví dụ như “Giờ ra chơi hôm nay con đã làm những gì?” bạn cũng sẽ nhận được một câu trả lời cụ thể với nhiều thông tin hơn khi đặt những câu hỏi có/ không như “Hôm nay con đi học có vui không?” Nếu bé trả lời chậm, bạn có thể đặt câu hỏi cụ thể hơn nữa: “Ra chơi hôm nay con chơi với bạn nào? Hôm nay có bạn nào chơi nhảy dây không con?” 

Bố mẹ hãy cho con cơ hội mô tả lại những gì bé đã thấy hoặc đã trải qua, còn bản thân hãy là một khán giả nhiệt tình. Con có thể kể bạn nghe nhiều chi tiết tưởng như tầm thường và vớ vẩn, nhưng chúng lại rất quan trọng với bé, vậy nên hãy hưởng ứng cuộc trò chuyện trong khi nó diễn ra. 

Thu âm một bài bé hát hay một câu chuyện mà bé kể. Ắt hẳn bé sẽ ngạc nhiên lẫn thích thú khi được nghe giọng nói của chính mình trên băng. Còn với bạn, đó sẽ là một bảo vật khác để giữ gìn, bởi rất lâu sau nữa, bạn sẽ rất hạnh phúc khi được lắng nghe lại cái giọng ngọng nghịu véo von của con cho mà xem. 

Kể chuyện. Bố mẹ hãy kể cho con nghe một câu chuyện mà bé đã nghe đi nghe lại vô số lần nhưng vẫn thích. Trong lúc kể, bạn có thể ngừng lại trước các chi tiết quan trọng hoặc cố ý thay đổi chúng để con khoái chí “bắt lỗi” được bố mẹ. Ở mức nâng cao hơn, bạn có thể bảo con tóm tắt lại cuốn sách / câu chuyện mà bé vừa được nghe, những gì bé thích hay không thích trong câu chuyện ấy. 

Dành cho bé học bằng… mắt 

Quay phim khi bé đang đọc hay kể một câu chuyện. Để thêm phần thú vị, bạn có thể cho con hóa trang và đóng vai một nhân vật trong câu chuyện và kể lại; sau đó cùng bé xem lại đoạn phim vừa quay. Hỏi xem con nghĩ gì về vai diễn của mình, đồng thời đừng quên khen ngợi khả năng nói và kể chuyện của bé. Đừng quá quan trọng khi bé nói nhịu, nói nhầm, vì mục đích của hoạt động này là giúp bé nói chuyện một cách thoải mái trước mặt người khác chứ không phải chuẩn bị cho bé thành nhân viên văn phòng. 

Kể chuyện. Bố mẹ hãy khuyến khích bé kể một câu chuyện với một cuốn sách chỉ toàn tranh, đây là một cách tuyệt vời để xây dựng các kỹ năng nói cho con. Các hình ảnh sẽ kích thích trí tưởng tượng của bé. Bạn có thể thử với những quyển sách truyện thiếu nhi nhiều hình ảnh sinh động hoặc thử với các hình ảnh trên tạp chí, và thậm chí cả những cuốn sách tô màu. 

Ở cấp cao hơn, bố mẹ có thể bảo con kể lại một đoạn băng hay chương trình truyền hình mà bé yêu thích, vì lúc này, bé đã đủ lớn để tập trung không chỉ vào cốt truyện mà còn về những xung đột trong câu chuyện ấy, như tại sao nhân vật chính lại tức giận hay buồn rầu chẳng hạn. 

 

Nhiệt tình "diễn" dưới sự chỉ đạo của con cũng là cách giúp bé phát triển kỹ năng ngôn ngữ. (Ảnh: Inmagine)

 Dành cho bé học bằng… hành động 

Viết một câu chuyện về gia đình, sử dụng ý kiến của tất cả các thành viên. Chẳng hạn bố sẽ mở đầu câu chuyện (“Ngày nảy ngày nay, có một gia đình sống trong một con tàu không gian trên sao Hỏa”) mẹ tiếp lời, và cứ như thế đến khi câu chuyện kết thúc. Bạn có thể tổng hợp từ đó dựng nên một vở kịch ngắn để cả nhà cùng tiếp tục tham gia, với bé làm đạo diễn hoặc diễn viên chính. Đó cũng là cách rất tốt để bé phát triển kỹ năng ngôn ngữ của mình. 

Khám phá tự nhiên. Hãy mang theo một cái hộp hoặc lọ để bé có thể đựng kho báu sưu tầm được (lông chim, những hòn đá có hình thù lạ, những chiếc lá nhiều màu sắc…) Đến khi về nhà, bạn có thể bảo bé “thuyết minh” lại cho mọi người biết thêm về kho báu của mình: về màu sắc, hình dạng và nơi bé tìm thấy chẳng hạn. Bố mẹ giúp con lưu lại những trải nghiệm đó với một quyển lưu bút bằng hình ảnh cũng sẽ rất hay đấy. 

Bạn hãy yêu cầu bé kể một câu chuyện, và viết lại. Bạn có thể gợi ý bằng cách hỏi về một sự kiện đặc biệt – một bữa tiệc chẳng hạn, hoặc một chuyến đi dã ngoại cùng với trường. Nếu bé quên hay lướt qua những chi tiết quan trọng, hãy hỏi lại. Khi bé mô tả một cái gì đó, bạn cũng có thể thay đổi cách diễn đạt một chút và nói lại cho bé nghe. (“Vậy là con và bạn đã cùng chơi rất vui ở trường đúng không?”) Như thế sẽ giúp bé nghĩ đến nhiều cách khác nhau để mô tả cùng một sự kiện.

 

Nguồn: Webtretho (lược dịch) / Theo babycenter.com


Ngày đăng: 02/07/2012 - Bởi: Adminstrator

Đường dây nóng
Đang online: 170 Lượt truy cập: 26022920
Về đầu trang