Tư vấn bé 3 tuổi suy dinh dưỡng
Tăng kích thước chữ : + -

 Con trai tôi hơn 3 tuổi, nặng 12 kg. Bác sĩ khám chẩn đoán cháu bị suy dinh dưỡng do không hấp thụ được thức ăn. 

Cháu uống thuốc theo đơn bác sĩ nhưng tình trạng không tiến triển. Khoảng 6 tháng nay thỉnh thoảng cháu tỉnh dậy khóc thét giữa đêm và ói, tay chân có cảm giác như bồn chồn, bứt rứt hoặc đau ở đâu đó). Cháu không nói gì chỉ khóc, tôi phải dỗ một lúc mới chịu nín và ngủ tiếp. Tôi mua canxi cho cháu uống bổ sung nhưng tình trạng vẫn không hết. Thực đơn hằng ngày của cháu:
 
– Nếu cháu đi học: Buổi sáng một chén cháo nhỏ hoặc cái bánh, 1/3 chén mì tôm, 1/3 chén bún, phở… + 150-180 ml sữa (tùy bữa). Hôm nào cháu ăn nhiều thì không uống sữa ở nhà mà lên lớp cô giáo cho uống 120 ml sữa. Buổi trưa cháu ăn cơm (nghe cô giáo nói ăn ít), 2h ngủ dậy ăn một chén cháo hoặc bún, chè, nui. Khoảng 3h30 cháu uống một hộp sữa nhỏ (110 ml). 
 
Một bữa ăn của bé kéo dài từ 30 phút đến một tiếng và khi ăn thường phải xem TV hoặc điện thoại mới chịu ngồi im. Bé thường ngậm cơm rất lâu, nếu mẹ nhắc thì mới nhai và nhai cũng rất lâu. Uống sữa thì nhanh hơn. Tôi rất băn khoăn không biết đã làm sai từ khâu nào. Rất mong nhận được sự tư vấn từ bác sĩ. (Bình Nguyễn)
Trả lời
 
Chào bạn,
 
Bạn không nói rõ chiều cao bé là bao nhiêu nhưng cân nặng của bé ở giới hạn trung bình thấp, đang bị đe dọa suy dinh dưỡng thể nhẹ cân.
 
Khẩu phần ăn của bé là đủ nhưng chất lượng thì chưa đủ. Giai đoạn này mỗi ngày bé vẫn nên uống 500 ml sữa (bao gồm sữa công thức, sữa chua, phomai), kết hợp 3-4 bữa ăn gồm: Sáng có thể cho bé ăn cháo, phở, bún nấu với thịt, cá, trứng… 2 bữa cơm trưa và chiều mỗi bữa 1-2 miệng bát con tăng dần số lượng, thức ăn thay đổi trong ngày. Tổng số một ngày gồm gạo 250 g (nếu ăn bún, mì, phở thì rút bớt gạo), thức ăn có thịt hoặc cá, tôm, cua 200 g, dầu mỡ 40 g, rau xanh 300 g, quả chín 300 g.
 
Bạn nên thay đổi món và ưu tiên các món ăn bé ưa thích, tăng các món xào, món rán để tăng thêm lượng chất béo nhằm giúp bé tăng cân. Không nên cho bé ăn quà vặt như bánh kẹo, bim bim, nước ngọt trước bữa ăn vì làm bé ngang dạ không muốn ăn bữa chính. Trường hợp bé ngậm không chịu nhai, bạn có thể cho cơm hơi nát để bé dễ ăn hơn. Có thể hỗ trợ cho bé uống thêm men tiêu hóa, kẽm, vitamin nhóm B nhưng cần theo chỉ định của bác sĩ.
 
Việc bé hay khóc đêm thường do nhiều nguyên nhân, có thể do thời tiết nóng bức, phòng ngủ không thoáng mát, không yên tĩnh, có khi ban ngày bé nô đùa nhiều nên đến đêm cũng hay giật mình, cũng có thể bé bị thiếu canxi… Bạn nên cho bé đến bác sĩ kiểm tra lại để điều chỉnh thuốc và điều trị cho bé kịp thời. Chúc bạn thành công.
 
Thạc sĩ, bác sĩ Doãn Thị Tường Vi
Phòng khám dinh dưỡng, Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội
Nguồn: VnExpress

Ngày đăng: 16/07/2016 - Bởi: Adminstrator

Đường dây nóng
Đang online: 32 Lượt truy cập: 26011607
Về đầu trang