Tuổi nhỏ làm việc nhỏ
Tăng kích thước chữ : + -

 Trong gia đình, các bậc cha mẹ nên chủ động dạy con và khuyến khích con làm việc nhà, để tạo một thói quen tốt trước khi nghĩ đến hiệu quả của công việc đó. 

Đừng ngại con làm chưa tốt

Có lần đến nhà người chị họ chơi, thấy chị đang giặt đồ mà con gái (đã học lớp 8) lại ngồi chơi, tôi hỏi: "Sao con gái không phụ mẹ giặt cho nhanh?". Chị tôi đỡ lời: "Nó giặt vừa tốn xà bông, tốn nước, mất thì giờ, không sạch lại phải la rầy, thôi để chị làm cho xong". 

Tôi thấy đó cũng là suy nghĩ của nhiều bậc cha mẹ. Vì con cái làm chưa quen, vụng về, làm không kỹ, thậm chí vừa làm vừa vùng vằng nên nhiều bậc cha mẹ không yêu cầu con làm việc nhà. Có người nghĩ, chờ con lớn, khi biết suy nghĩ thì sẽ tự giác tham gia. Suy nghĩ đó không phải là không có lý, nhất là khi cha mẹ không có nhiều thì giờ, đôi khi tốn công sức "xử lý" hậu quả việc con làm còn mệt hơn. 

Tuy nhiên, suy nghĩ đó ít nhiều đã làm mất thói quen chủ động, tự lập và mất kỹ năng làm việc nhà của con, cũng là mất đi sự trải nghiệm, hiểu biết của trẻ. Một đứa trẻ biết tự cất đồ chơi, biết tự xếp quần áo, biết để sách vở đã xem vào đúng vị trí, biết phụ mẹ làm bếp… là đang học dần cách sống tự lập, dần hoàn thiện những kỹ năng có thể nói là sơ đẳng nhất, từ đó định hình nhân cách, lối sống phù hợp. Dần dần, trẻ tham gia tích cực và có trách nhiệm với mọi việc trong gia đình, trở thành "thành viên đầy đủ" như những người lớn.

 

Hãy để con tham gia

Khi con gái tôi lên ba tuổi, bé thích được ba mẹ nhờ làm việc này việc kia. Làm việc chính là để thỏa mãn sự khám phá, tìm tòi của trẻ, đồng thời trẻ thấy được vị trí, vai trò cũng như thể hiện được tình cảm của mình với cha mẹ, gia đình. Vì vậy, khi gọi: "Con gái, lấy giùm ba tờ báo nào", "Lấy giùm mẹ cái chổi nhé!", nhìn con gái lon ton chạy, không chỉ con có niềm vui mà chính người lớn cũng cảm thấy hạnh phúc. 

Để con trẻ có thể làm việc nhà một cách thoải mái, tích cực, có ích thực sự, cha mẹ nên quan tâm dạy con cách làm. Con quét nhà thì cầm chổi như thế nào, đứng ở vị trí nào, quét làm sao cho sạch…; con xếp quần áo thì từng loại nên xếp thế nào cho gọn và đẹp mắt… Cha mẹ có thể làm mẫu cho con biết và uốn nắn từng động tác. Những lần đầu trẻ có thể làm rất vụng, cha mẹ phải làm lại, nhưng đừng vì thế mà chê trẻ, hãy tạo điều kiện để trẻ còn hứng thú tham gia tiếp tục những lần sau. Với sự quan tâm, kiên trì và hướng dẫn đúng cách, một đứa trẻ lên năm đã có thể giúp cha mẹ khá nhiều việc trong nhà một cách thoải mái, tự giác. 

Chú ý cách động viên

Một lần, trong lúc nấu cơm, vợ tôi bận quá không kịp giã tiêu, liền nhờ con gái làm giúp. Mặc dù được hướng dẫn kỹ càng nhưng do mới làm lần đầu, nó "vật lộn" với cối, chày còn tiêu thì văng tung tóe ra nhà. Thế là con tôi không chỉ được học bài học về giã tiêu mà còn được học bài học về quét nhà! Đến bữa ăn, tôi nói với cả nhà: "Bữa nay món cá ngon hơn hẳn vì có tiêu do con gái ba giã". Con bé sung sướng ra mặt, nhanh nhảu nói: "Bữa sau ba cho con giã tiêu nữa nhé!". 

Vì vậy có thể thấy, thay vì ra mệnh lệnh, cha mẹ có thể tỏ ý nhờ vả, thậm chí cầu khẩn; sau khi con làm xong thì nên cảm ơn, khen ngợi, cần thiết có thể thưởng cho con món gì đó. Đây là cách để trẻ có hứng thú làm việc. Kể cả khi con làm chưa tốt thì cũng không nên la mắng, bởi không chỉ làm trẻ cảm thấy sự cố gắng của mình không được nhìn nhận mà còn thấy mình không có ích, từ đó làm hạn chế sự nỗ lực, phấn đấu của trẻ ở những lần sau. 

Nguồn: Phụ Nữ


Ngày đăng: 07/10/2012 - Bởi: Adminstrator

Đường dây nóng
Đang online: 17 Lượt truy cập: 26025931
Về đầu trang